Những thế võ “chết người” giống của khuyển lang (chó sói)
Bị oan nên “mất thế”
Đại võ sư (ĐVS) Lê Ngọc Quang, Phó chủ tịch, kiêm tổng thư ký Hội Võ thuật Hà Nội cho biết, võ cổ truyền xuất phát từ việc bắt chước các con vật. Thủa hồng hoang con người phải chống chọi với thiên nhiên nên khi đánh nhau họ bắt chước các con vật như hổ vồ mồi, báo sắn thú, ngựa đá hậu… để tồn tại và khổ luyện thân xác, phần con của mình theo hình tướng các con thú, để có các thế đánh độc đáo tạo nên sức mạnh cho mình. Các chiêu thức võ thuật như: Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc…, người ta đều lấy luôn các chiêu thức của con vật để đặt. Chẳng hạn, gà đá là kim kê (chân gà đá), mãnh hổ vồ mồi, ưng chảo công (chim vô mồi)…
Chó có các đòn thế không thua gì các con vật khác trên đời này, thậm chí còn kinh hơn (sói lang) vì có một bộ não năng động. Khi chó ra đòn rất điêu luyện, các chiêu thức không khác các con thú dũng mãnh khác, đòn đá, đòn bật y như hổ, báo…Nhưng người ta lại không dùng tên con chó để đặt cho các chiêu thức của nó. Nguyên nhân là do chúng ta có một khái niệm khác về loài chó. Người ta cho rằng, chó là bẩn thỉu, ngu dốt, tạp chủng, cắn trộm…
Chính vì sự ví von của con người nên chó bị oan. Đáng lẽ chó phải là tổ sư của các đòn thế võ nào đó thì người ta lại mang nó ra chế diễu trong phim chưởng, truyện chưởng như: cẩu tạp chủng, đòn cẩu chiến…Nghĩa là mỉa mai những hành động của người xấu: “ăn bẩn”, cắn trộm…
Theo ĐVS Lê Ngọc Quang, có lẽ không có loài nào trên đời lại chân tình, hiểu được ngôn ngữ con người và hội đủ các yếu tố tình cảm như loài chó. Ngoài các khả năng thiên phú về sự nhạy bén, chó còn có một đức tính mà loài người học mãi chưa xong. Đó là sự tử tế, thuỷ chung, lòng sắt son trước sau như một, với tất cả những biến cố thăng trầm của đời người, chủ giầu rồi nghèo, chủ ngược đãi hắt hủi đánh đập… không bao giờ thấy chó phàn nàn, hoặc bỏ đi. Chủ thèm ăn giết thịt, nó nằm im chịu trận, với hai hàng nước mắt…Nhưng chính sự hàm oan của con người mà người ta không dám gắn tên chó cho các thế võ. Tuy nhiên, trên hệ thống quan sát của võ thuật, các đòn thế hiểm của hổ, báo, mèo, gấu…đều y như của chó.
Một nghệ thuật điêu luyện
ĐVS Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, trong các tài liệu võ thuật về thế võ, không có chiêu thức nào lấy tên của chó để dậy, nhưng trên thực tế có rất nhiều đòn thế của võ chó. Ví dụ: Dùng tay cắp cổ – ngón trỏ và hai ngón giữa xộc thẳng vào cổ (giống thế võ vồ lên cắn cổ của con chó béc giê); Đòn xông lên ngoạm cổ của chó không khác gì sư tử cắn cổ; Hoặc chó dùng mõm đánh, đâm không khác gì gấu; Đòn chồm lên tạt hay chân trước vào mặt không khác gì con gấu, sư tử…Chó không thế cấu xé như hổ nhưng nó có thể xông pha như hổ. Chó không có thể đá hậu như ngựa nhưng lại có thế bật của ngựa…Nghĩa là các đòn của nó giống rất nhiều con vật và người ta có thể gọi đó là đòn của chó, của gấu, hổ, báo… đều không sai.
Song trong nghệ thuật, võ chó lại khá nổi bật. Trước đây, trong một bộ phim chưởng của Trung Quốc có một võ sư đánh võ chó, dùng tiếng chó sủa để phát chưởng…Ở đây thể hiện, võ chó là nghệ thuật, là cái đích để người ta làm kinh tế. Đặc biệt, người mê phim, truyện chưởng không ai là không biết đến 36 thế võ ĐCBP nổi tiếng của Kim Dung (Trung Quốc).
Kim Dung không phải là dân võ, ông là một nhà văn, nhưng có một đầu óc sáng tạo mường tượng ra các thế võ rất khủng khiếp. Ông không chỉ đặt tên cho 36 thế võ ĐCBP khiến dân võ kinh hỷ, mà các thế võ của ông trong nhiều truyện đều được dân võ nhà nghề bái phục. Nhiều người lấy ý tưởng của ông để đặt tên cho môn phái, đòn thế của mình. Tuy nhiên, để có những thế võ thật như ông nghĩ thì giống như chúng ta đang viết chuyện viễn tưởng. Nghĩa là, ông đặt ra những cái mà thế hệ sau mới thấy là nó có thật.
ĐCBP có nghĩa là dùng gậy trúc để đánh ác cẩu. Bổng pháp này là do kinh nghiệm thực tế đánh ác cẩu của các Cái Bang mà đúc kết thành bí kiếp. ĐCBP là một loại côn pháp chí cao, gồm 36 đường đánh rất nhanh nhẹn, linh động, tùy cơ ứng biến, trong đó có vô số chiêu pháp kỳ diệu biến hóa. Trong vòng mấy trăm năm, Cái Bang gặp họa nguy khốn, bang chủ phải thường xuyên ra mặt dùng ĐCBP diệt tà trừ ác khiến cho quần tà phải khiếp sợ. Đây được coi là một loại võ công bậc nhất từ trước đến nay, nó có sự biến hóa khôn lường, kỳ lạ. Bộ bổng pháp này dùng nhu thắng cương bao đời, nên Bang chủ Cái Bang nhờ nó mà nổi danh giang hồ.
Không đánh chó mà đánh người có “mùi chó”
ĐVS Lê Ngọc Quang phân tích, lúc đầu ĐCBP được hiểu là để cho các Cái Bang đối phó với chó trên đường đi. Bộ pháp có nhiều thức biến hóa khác nhau tạo thành vô số chiêu thức tinh diệu. ĐCBP được thi triển theo đường lối “Tứ lạng bạt thiên cân” (Bốn lạng bạt ngàn cân), võ công được áp dụng theo 8 chữ khẩu quyết: buộc, đập, trói, đâm, khều, dẫn, khoá, xoay. “Đả Cẩu” ý không phải là đánh chó mà là đánh kẻ có mùi chó.
Theo khẩu quyết chữ khóa, ngọn bổng hoàn toàn không đưa ngang, cũng không tấn công vào thân thể địch nhân, ngọn bổng hóa thành một bức tường màu xanh, cản trở trước mặt, chỉ cần địch nhân không bước lên một bước thì không việc gì, nếu ra tay công kích sẽ lập tức bị đánh. Với các chiêu thức được nêu trong bộ truyện: Bổng đả song khuyển (Gậy đánh hai con chó – Triền tự quyết); Tà đả cẩu bối (Đánh vào vai chó – dẫn tự quyết)…và cuối cùng là tuyệt chiêu Thiên hạ vô cẩu (Thiên hạ không còn chó – phách tự quyết) thực sự là thế võ đỉnh cao.
Nó dung hợp hơn 30 chiêu của ĐCBP, một khi xuất chiêu địch sẽ thấy bốn phương tám hướng đều là gậy, kình lực phát ra, mạng người khó giữ, dù thêm một vài tên nữa cũng sẽ bị đánh chết đồng loạt cho nên mới gọi là “Thiên hạ vô cẩu”. Đây chính là sự tinh diệu của bổng pháp, kình lực mạnh mẽ, đạt đến cảnh giới của võ thuật.
Chính là học cách sống
ĐVS Lê Ngọc Quang nhấn mạnh, võ là sự biến hóa khôn lường, ví dụ người biết võ cơ bản có thể sáng tạo ra hàng nghìn, hàng vạn thế khác nhau theo tính cách của cá nhân, năng khiếu của từng người, từng môn phái, dân tộc… cho phù hợp và thích nghi. Chính vì thế, không thể nói có bao nhiêu thế võ nói chung và các kiểu đánh giống võ chó nói riêng trong võ thuật. Nhưng võ thuật chính là vừa thể hiện sức mạnh, vừa thể hiện tính nghệ thuật, cội nguồn và tâm hồn của mỗi con người và dân tộc.
ĐVS Lê Ngọc Quang cho biết, chúng ta phải phân biệt giữa tập võ và học võ. Tập võ là làm được động tác. Còn học võ là học rất nhiều thứ: học được cái bản chất, cái triết lý cuộc sống, đạo lý con người…
Học võ không chỉ đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, sức mạnh mà phải có sự đam mê. Bởi võ thuật không phải là môn giải trí, mà phải vận động mệt mỏi và chấp nhận ăn đòn. Võ thuật lấy xát thương làm chủ đạo, tai nạn của đối phương làm niềm vui và vinh quang, vì vậy trong võ không có thi đấu hữu nghị.
Do đó, người học võ phải có tinh thần tốt, có đặc tính tốt nên hầu hết người học võ lâu không đánh nhau. Nhiều ông thầy dạy võ cho rằng, dậy võ là dậy Đạo cho học trò nhưng thực tế Đạo của võ đã có sẵn trong con người. Tập võ chỉ để tăng thêm bản lĩnh, nghị lực, nhận biết…để thể hiện phẩm chất cao quý của Đạo với tất cả mọi ứng xử trong đời.
Người học võ phải đảm bảo được 4 đặc tính: nhân đạo, tự vệ, thể thao, truyền thống. Người chơi võ phải có được 5 điều cơ bản “thần-xà-hổ-báo-hạc”, tức là: Thần – thần thái và tâm phải tốt; Xà–mềm mại (ứng xử nói năng làm việc trong cuộc sống phải mềm dẻo; Hổ-Mạnh như hổ (cuộc sống phải mạnh); Báo–có sức nanh như con báo trong cuộc sống và ứng xử; Hạc – thế đứng trong cuộc sống phải vững vàng.
Thúy Nga