Ông Cảnh gọi những cuốn sách là “linh hồn”.
Suốt bao nhiêu năm mò mẫm tìm sách bằng chiếc xe đạp cũ, thành quả có được là 10 tấn sách mà ông gọi yêu là 10 tấn “linh hồn”.
Phải yêu lắm, nâng niu lắm thì ông giáo già mới gọi những cuốn sách kia là linh hồn.
Tạm bỏ sang một bên những ví von tâm tưởng mà xét lại lời dạy của cổ nhân, rằng:
Sách là người bạn thủy chung, người thầy tin cậy; thì quả thực cái ví von 10 tấn sách là 10 tấn linh hồn cũng chẳng có gì thái quá.
Bảo tàng hiếm có
Ông Phan Trác Cảnh sinh năm 1936, từng là giảng viên khoa Văn, trường đại học Tổng hợp.
Ở tuổi 48 ông đã nghỉ hưu, vì lý do gì mà nghỉ sớm thì tôi cũng không tiện hỏi.
Nhưng cái tôi chắc chắn, và cũng là do lời ông tâm sự mà biết, đó là nghề dạy học đã thôi thúc ông phải đi tìm những cuốn sách.
Là thầy giáo ai chẳng yêu sách. Nhưng cách mà ông Cảnh dành tình yêu của mình cho sách lại đặc biệt quá.
Ngôi nhà số 5 đường Bát Đàn (Hoàn Kiếm) cao 4 tầng, thì cả 4 tầng đều tràn ngập sách.
Ông còn dành hẳn một ngôi nhà khác để trưng bày sách vì nhà cũ không còn đủ chỗ nữa.
Ở đằng trước hiên, ba chữ “Nhà sách cũ” được gắn khá trang trọng. Người dân phố cổ thì cứ quen gọi đấy là bảo tàng. Lúc cần, họ có thể đến đọc thoải mái.
Sách nhiều, đủ các thể loại nên bảo tàng sách của ông Cảnh được coi là hiếm có của Hà Nội. Bao nhiêu văn nhân mặc khách, nhà khoa học, nhà lịch sử… từng đến nhà ông Cảnh để mượn thêm tư liệu.
Ông Cảnh đưa tôi xem cuốn “Souvernirs de Hue” in bằng tiếng Pháp từ năm 1867 của tác giả Michel Duc Chaigneau viết kỷ niệm về Huế đã sờn rách được bọc lại cẩn thận.
Các quyển Hán văn tân giáo khoa thư xuất bản năm 1928 và “Ngũ thiên tự” năm 1929 cũng còn nguyên vẹn.
Ở bảo tàng của ông có nhiều sách quý như bộ tài liệu đồ sộ gồm 46 cuốn về dân tộc Chàm, 11 tập chuyên nghiên cứu về người Hoa ở Việt Nam và những cuốn sách viết về người Mường, Thái, Mông, Tày… cũng được ông gom về.
Ông Cảnh cho biết, các tác phẩm văn học đặc sắc có thể được tái bản, nhưng các sách nghiên cứu cổ điển rất kén người đọc nên hiếm. Đa số các cuốn ấy gần như không còn trên thị trường.
Trong số vài vạn cuốn sách mà ông Cảnh sưu tầm được, thì số nhiều tập trung vào chủ đề: Việt Nam học.
Ông bảo, sách quá nhiều nên mỗi ngày dành 12 tiếng cho việc sưu tập và làm sách, đến đêm khuya mới có thời gian thưởng thức tri thức trong gia tài đồ sộ của mình.
Xe cà tàng chở tình yêu
Để có được số lượng sách khổng lồ, trong suốt gần 40 năm khi sức lực còn đủ đầy ông Cảnh đã đi khắp nơi bằng chiếc xe đạp cà tàng từ Nam chí Bắc để tìm sách.
“Mỗi lần mua được một cuốn sách hay là trong người cảm thấy khỏe ra, khoan khoái lắm. Nhưng mà cũng không ít chuyến đi thất bại”, ông Cảnh tâm sự.
Vợ ông cảnh, bà Đào Lệ Mão bảo: “Thời xưa, cơm không có mà ăn nhưng mà vẫn phải dành tiền cho ông ấy đi mua sách. Có lúc đạp xe từ Hà Nội về Nam Định để mua mấy cuốn sách cũ mà trong bụng nhịn đói”.
Ông Cảnh trìu mến gọi những cuốn sách kia là tình yêu. Có lẽ là vậy thật, bởi nhẽ thiên hạ hiếm người như ông. Nói đó là thú vui thì cũng chẳng phải, mà nói là đam mê thì cũng chưa đủ.
Nhưng tình yêu ông dành cho những cuốn sách cũ còn lớn hơn cả tình yêu mà ông dành cho vợ con.
Nghe tin ở đâu có sách hay mà trong gia tài sách của mình chưa có là ông mất ăn mất ngủ. Ông thao thức, bồn chồn đến độ bà vợ phải đôn đáo đi vay tiền cho chồng làm lộ phí lên đường.
“Có đận ông vội vàng đạp xe lên tận Bắc Giang để mua mấy cuốn sách về dân tộc mà thất bại. Về nhà, ông chẳng nói chẳng rằng bỏ ăn mấy ngày. Vợ con khuyên mãi, ông mới nguôi”, bà Mão cho hay.
Do quá mê văn chương Tự Lực Văn Đoàn mà thành nghiện sách. “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng là quyển sách đầu đời làm ông Cảnh mê mẩn, đó cũng là bản in đầu tiên mà ông vẫn gìn giữ đến giờ như kỷ vật của đời mình.
Ngay thời gian còn làm việc ở Trường đại học Tổng hợp, ông đã xây dựng “gia tài” sách cũ. Bạn bè tưởng ông đổi nghề ve chai khi thấy ông giáo cứ lẽo đẽo chiếc xe đạp chở sách cũ về nhà.
Một góc nhỏ về sách trong la liệt những cuốn sách mà ông Cảnh có.
Cổ – kim gom trong nhà
Ông Cảnh bảo rằng: “Một cuốn sách quý trước hết phải có giá trị về nội dung, hơn nữa đó phải là bản in thứ nhất, thậm chí có chữ ký của tác giả hay số lượng in càng ít càng thì tốt”.
Bảo tàng sách của ông không thiếu sách của một môn khoa học nào. Nó được ví như kho chứa bách khoa toàn thư, những kiến thức Đông – Tây – Kim – Cổ đủ cả.
Nhưng niềm tự hào của ông lại là những cuốn sách đánh dấu những mốc quan trọng của một sự kiện lịch sử hay xã hội như bộ cải cách ruộng đất, các triều đại lịch sử Việt Nam.
Ông sưu tầm sách theo chủ nghĩa rất hiệu quả, chẳng hạn những cuốn sách nghiên cứu về Chăm Pa, làng xã Việt Nam, người Hoa ở Việt Nam.
Khi đã đủ bộ, chúng được ông đóng bìa cứng, mạ chữ vàng óng ánh như một bảo vật.
Niềm say mê sưu tầm sách hình như chưa đủ, ông Cảnh còn cóp nhặt cả những tờ báo mà tuổi đời của chúng còn lớn hơn tuổi đời của ông.
Ông nói: “Sưu tầm sách đã khó, sưu tầm báo còn khó hơn nhiều, bởi báo người ta thường đọc một lần, chẳng ai lưu giữ lại làm gì”.
Ấy vậy mà trên giá của ông, người ta có thể thấy cả Gia Định Báo, tờ báo đầu tiên bằng tiếng quốc ngữ.
Rồi những tờ báo có tiếng vang không kém như: Nam Phong, Phụ Nữ Tân Văn và cả bộ Viễn Đông Bác Cổ bằng tiếng Pháp có từ năm 1901 – 1986.
Ông Cảnh bảo, trong bất kỳ một công việc gì cũng đều phải có duyên mới thành. Có những cuốn sách rất thường khi ông có tiền cũng không tài nào mua được, nhưng cũng có những bộ sách cực hiếm thì tự dưng người khác lại đem tặng cho.
Như cuốn tạp chí “Nghiên cứu Việt Nam” xuất bản ở Pháp, ông đã nhờ cả đến văn phòng Viện Viễn Đông Bác Cổ tìm giúp nhưng không thấy. Mười mấy năm sau, thì bất ngờ lại thấy nó trong một đống sách cũ nơi vỉa hè gần nhà mình.
“Mười tấn sách cũ là mười tấn linh hồn. Nếu bạn không coi sách là một người bạn, một người thầy thì việc đọc sách cũng giống như “cưỡi ngựa xem hoa”. Nếu coi sách là tri thức, thì khi đó sách là tình yêu, là lý tưởng của bạn”, ông Phan Trác Cảnh.
Trần Hòa