Đối với ngoại nhân thường bị cảm nắng, nội nhân thường do nóng nên thoát mồ hôi dẫn đến mất nước. Khi thời tiết khắc nghiệt như vậy, trước hết phải giải quyết vấn đề thiếu nước trong cơ thể, đó là việc cần làm hàng ngày, có khi hàng giờ. Dưới đây xin giới thiệu những món ăn, đồ uống để đáp ứng nhu cầu thiếu nước của cơ thể.
-Chè xanh: Đông y gọi là trà diệp, hồng trà, thanh trà là món đồ uống truyền thống của người Việt Nam. Đây cũng là loại văn hóa ẩm thực mà nhân dân ta hết sức trân trọng. Có thể dùng tươi, hoặc sấy khô để dùng dần. Theo đông y, chè xanh có vị ngọt đắng, tính hơi hàn, vào bốn kinh tâm, phế, tỳ, vị. Có tác dụng: thanh nhiệt giáng hỏa, tiêu thực, gây hưng phấn trong khi lao động.
Uống chè xanh có tác dụng trừ nhiệt ở thượng tiêu (tim và phổi) để giải nhiệt, giảm bớt khát nước, làm tỉnh táo đầu và mặt. Hồng trà đã sao khô có tác dụng tiêu thực, giảm tích trệ, còn có tác dụng trị chứng ỉa chảy thuộc nhiệt tả, chứng kiết lỵ do thấp nhiệt.
Nhân đây cũng cảnh báo với độc giả: Thanh trà dùng để giải nhiệt, hồng trà thiên về tiêu tích không nên nhầm lẫn. Ngày dùng từ 8- 16g dưới dạng nước hãm. Người tỳ vị hư hàn, mắc chứng thủy thũng, người đang uống thuốc bổ đông y không được dùng.
-Đậu xanh: Đông y gọi lục đậu, vỏ đậu xanh gọi lục đậu y có vị ngọt, tính hàn, vào kinh vị, tâm, can. Nấu nước uống có tác dụng thanh thử nhiệt, giải độc ở dạ dày, tim, gan vào mùa hè. Nước đậu xanh còn có tác dụng đặc biệt là giải độc khi bị ngộ độc thuốc đông y, tây y. Hoặc khi ăn phải thức ăn bị ngộ độc.
Uống để giải nhiệt ngày dùng 100g đun với 2 lít nước cho nhừ, chia đều uống 3- 4 lần vào buổi trưa và buổi chiều trong ngày. Nếu có điều kiện, có thể cho thêm 50ml mật mía có tác dụng điều hòa bồi bổ tỳ vị. Nếu để giải độc ngày dùng 200g, đun với 2 lít nước cho bệnh nhân uống liên tục, khi bệnh nhân nôn ra chất độc hoặc đại tiện ra chất độc thì không uống nữa.
Nếu chưa nôn, hoặc chưa đại tiện cứ cho uống tiếp. Chú ý: Khi dùng để chống độc không được cho mật vào, ngọt làm chất độc dễ hấp thụ vào tỳ vị càng ngộ độc nặng hơn. Người tỳ vị hư hàn không được dùng đậu xanh để giải độc.
Sắn dây: Đông y gọi cát căn, sinh cát căn, sinh chấp cát căn (nước cát căn sống), can phẩn cát căn (bột cát căn khô). Bộ phận dùng là rễ, thường gọi là củ, củ to nhỏ khác nhau, vỏ bên ngoài có màu nâu tía, trong có màu trắng vàng nhạt, nhiều bột, ít xơ là loại tốt. Sắn dây có vị ngọt, tính bình, vào kinh vị và bàng quang.
Có tác dụng giải biểu thanh nhiệt chỉ khát. Trị chứng cảm mạo do nhiệt thử. Đi lỵ ra máu do đại trường kết nhiệt, chứng sởi đậu mới phát bệnh nhân sốt cao. Trẻ em người lớn sốt cao lấy 30g sắn dây tươi, bóc bỏ vỏ, rửa sạch dã nhuyễn, lấy nước đun sôi để nguội hòa đều, vớt bỏ bã, cho bệnh nhân uống ngày 2 lần.
Hoặc lấy 15g bột sắn dây khô hòa với nước đun sôi để nguội, cho bệnh nhân uống để hạ sốt. Người mùa hè mắc chứng bàng quang nhiệt nước tiểu đỏ, hoặc đái giắt uống nước sắn dây 3-4 ngày sẽ khỏi. Củ sắn dây tươi luộc chín ăn, có tác dụng điều hòa dinh vệ khí huyết chống mệt mỏi. Chú ý: người âm hư hỏa vượng, người trên thực, dưới hư không được dùng.
-Sứa: Đông y gọi là thủy mẫu, có vị mặn, tính ấm. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông huyết bổ dưỡng, phụ nữ huyết ứ rong kinh. Chế biến theo phương pháp truyền thống. Đây là món khoái khẩu của nhân dân một số vùng miền biển vào mùa hè, thường ăn sứa với mắm tôm, lá kinh giới.
Lá kinh giới có vị cay tính ôn vào kinh can, phế có tác dụng khu phong , giải độc, chống dị ứng, sốt, nhức đầu, thông lợi đại tiểu tiện, dùng để thanh nhiệt giải độc. Hiện nay người ta sấy khô sứa làm thức ăn, là món ăn đặc sản cao cấp. Cách dùng: Người lớn ăn ngày 30- 40g sứa tươi đã chế biến. Trẻ em ăn bằng ½ liều người lớn. Chú ý: Người tỳ vị hư hàn không được dùng.
TTND. BS cao cấp Nguyễn xuân Hướng