Anh Nh. cho biết, trước khi nhập viện 10 ngày, bị nhức đầu nhiều, chảy mũi. Sau đó anh thấy nhức đầu dữ dội và đau sau hốc mắt trái, nhìn mờ ngày càng tăng, anh dần không đọc được báo, mắt mờ càng lúc càng nhanh. Anh đã đi khám tại Bệnh viện Mắt TPHCM, kết quả kiểm tra thị lực: Mắt trái đếm được ngón tay cách 0,5m và nhìn bóng bàn tay cách 1m; trong khi mắt phải thị lực tốt 10/10. Sau đó, anh được chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng.
TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, bệnh nhân đã nhìn thấy lại sau phẫu thuật điều trị u nhầy. |
BS Nguyễn Thanh Hải, Khoa Mũi - Xoang cho biết, kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân có vết mổ cũ ở hai bên mũi xoang, đồng thời kết quả hình ảnh CTscan theo dõi một khối u nhầy mủ đặc biệt. Khối u gây thuyên tắc, viêm nhiễm lan đỉnh hốc mắt trái lâu ngày, dẫn đến gây khuyết hổng xương vùng đỉnh hốc mắt trái, tắc ngách mạch xoang trán hai bên.
Khối u nhầy mủ này đã chèn ép đỉnh hốc mắt trái, nên bệnh nhân bị đau đầu dữ dội cũng như giảm thị lực cấp, đột ngột ở mắt trái. Sau khi hội chẩn với cấp lãnh đạo, các bác sĩ quyết định mổ ngay với ứng dụng thăm dò dưới định vị 3 chiều (IGS), mở vào tế bào Onodi trái - đây là vùng xương dày và cứng. Theo mũi khoan mài, dịch mủ đục chảy ra đồng thời chúng tôi đã mở rộng phạm vi lấy vỏ bao u ngoài trọn vẹn và rửa sạch dịch mủ.
Điều may mắn, theo các bác sĩ, bệnh nhân dù có bị khuyết hổng xương do khối u nhiễm trùng tắc nghẽn lâu một vùng tế bào “ăn mòn”, nhưng vỏ bao mắt còn nguyên vẹn, nên tình trạng nhiễm trùng không ăn lan vào bên trong mắt, ảnh hưởng đến thần kinh thị, tiên lượng tốt hơn.
Thị lực mắt trái của bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn một cách ngoạn mục, 10/10. |
Các tế bào Onodi (tế bào sàng bướm) nằm ở sát vùng xoang bướm nằm sâu nhất trong hang mũi, thuộc xoang sàng sọ; gắn liền với tuyến yên và tĩnh mạch hang, đồng thời gắn liền dây thần kinh thị giác và động mạch cảnh trong. U nhầy của các tế bào Onodi chiếm tỷ lệ 10 - 30%.
Nguyên nhân gây ra u nhầy thường do trước đây bệnh nhân bị chấn thương hoặc đã từng được mổ xoang hoặc bệnh nhân bị tình trạng viêm nhiễm vùng mũi lâu dài, không điều trị… dẫn đến dịch ứ đọng lâu ngày gây ra u nhầy vùng mũi xoang.
Theo TS.BS Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, đến nay, bệnh nhân đã hồi phục được thị lực, cải thiện hoàn toàn 10/10, hết nhức đầu. Đây là trường hợp hồi phục khá ngoạn mục, vì tế bào Onodi nằm khá sâu, hiếm khi viêm và hiếm khi gây mờ mắt như vậy.
TS.BS Lê Trần Quang Minh khuyến cáo, u nhầy là bệnh lý thường gặp sau chấn thương hay phẫu thuật vùng mũi xoang, gây tắc nghẽn. Quá trình ứ đọng, tắc nghẽn đó sẽ chèn ép và làm hoại tử màng xương. Do đó, bệnh nhân sau phẫu thuật hay phẫu thuật nội soi mũi xoang, cần được theo dõi và tái khám định kỳ để tránh các biến chứng như đã nói trên. Vệ sinh mũi hay rửa mũi cũng nên thực hiện thường xuyên để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Nếu có bất cứ bất thường nào, không chỉ riêng biến chứng vùng mắt như mờ mắt, nếu bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, lừ đừ… có thể liên quan đến sọ não như viêm màng não… cần phải đến khám ở các bệnh viện chuyên khoa.