Cảm Đông y gọi thương phong. Nguyên nhân chính là do bộ máy hô hấp kém khả năng lọc sạch không khí, nên vi khuẩn, virus trong không khí thâm nhập cơ thể khi sức đề kháng sút kém hoặc bị viêm niêm mạc mũi, họng, amidan... mà xuất hiện cảm. Theo y học hiện đại, cảm là một chứng bệnh viêm nhiễm phổ biến, nguyên nhân do cảm nhiễm các loại virus khác nhau; cảm có thể chia ra cảm thông thường và cúm. Cảm thông thường là một chứng bệnh viêm nhiễm cấp tính ở đường hô hấp trên, thường do virus gây ra. Những biểu hiện lâm sàng bao gồm: hắt hơi, ngạt mũi và chảy nước mũi, khô rát họng sau đó đau họng, khản tiếng, ho khan, mệt mỏi...
Những người thường xuyên bị cảm tốt nhất nên bồi bổ những món ăn - thuốc vừa có tác dụng hỗ trợ trị liệu, vừa tăng cường thể chất, tránh bệnh tái phát.
Cháo gừng: Gừng 15g, hành trắng 5 củ, gạo tẻ 50g. Trước tiên cho gạo vào nấu thành cháo, gừng hành rửa sạch, thái nhỏ đổ vào cháo, cho gia vị, ăn buổi tối trước khi đi ngủ, đắp chăn cho toát mồ hôi. Món này thích hợp với người bị cảm phong hàn, có biểu hiện sợ lạnh, sốt, toàn thân đau mỏi, đau đầu, tắc mũi, chảy nước mũi trong...
Trứng gà nấu tía tô: Lá tía tô 30g, trứng gà 2 quả. Trước tiên cho lá tía tô vào trong nước đun sôi 5 phút, bỏ bã sau đó đập trứng gà đánh đều rồi đổ vào trong nước thuốc, đun tiếp 3 – 5 phút là được, uống 1 lần, sau khi uống thuốc đắp chăn để toát mồ hôi. Mỗi ngày uống 2 lần dùng cho cảm phong hàn.
Nước tỏi, hành: Tỏi, hành mỗi loại 20g, gừng 15g, rửa sạch, thái nhỏ, cho nước vào đun, uống nước, uống xong nghỉ tại giường, tránh gió, làm cho toát mồ hôi.
Cháo bạc hà: Rau bạc hà tươi, gạo tẻ mỗi loại 50g, đường phèn 1 ít. Bạc hà rửa sạch thái nhỏ cho nước vừa, sắc lấy nước đặc, sau đó cho vào gạo đun sôi 1 lát, cho đường vào khuấy đều, mỗi ngày ăn 2 lần vào sáng, tối. Dùng cho cảm phong nhiệt. Triệu chứng: sốt nóng, sợ gió, đầu nặng, đau họng, miệng khô, ra mồ hôi, ho có đờm, đau lưng, miệng khô, khát, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng. Khám thấy họng đỏ.
Nước táo quýt: Đại hồng táo 8 quả, vỏ quýt tươi 15g. Cho đại hồng táo vào nồi sao vàng, rồi cho vào một cốc nước cùng với vỏ quýt tươi đun sôi, hoặc dùng nước sôi hãm uống thay trà, mỗi ngày vài lần. Dùng cho người bị cảm chán ăn, tiêu hóa kém.
Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)