Món ăn bồi bổ phục hồi nhồi máu cơ tim

(khoahocdoisong.vn) - Nhồi máu cơ tim cấp tính là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và để lại nhưng di chứng nặng nề. Một trong những yếu tố liên quan đến nhồi máu cơ tim là chế độ ăn không lành mạnh, bệnh béo phì...

Nhồi máu cơ tim cấp tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các nước phát triển và đang gia tăng ở Việt Nam để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bệnh xảy ra khi dòng máu nuôi dưỡng cơ tim đột ngột bị cắt đứt, gây tổn thương tế bào cơ tim và xuất hiện cơn đau ngực. Đây là kết quả của sự tắc nghẽn một hay nhiều động mạch vành. Sự tắc nghẽn phát triển chủ yếu do sự tích tụ các mảng bám lâu ngày trong lòng mạch, chủ yếu từ chất béo, cholesterol và một số chất khác.

Trong số các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp tính, 70% các trường hợp tử vong là do tắc nghẽn từ các mảng xơ vữa động mạch. Một số yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cấp như: Hút thuốc lá; Lười vận động, không vận động thường xuyên; Tăng huyết áp, Đái tháo đường, gout; Chế độ ăn không lành mạnh, bệnh béo phì; Rối loạn mỡ máu di truyền (tăng cholesterol, triglycerid)...

Để giảm thiểu tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim cấp, cần phải nhận biết những biểu hiện xuất hiện ở giai đoạn sớm để có các phương pháp điều trị kịp thời. Ngoài triệu chứng điển hình là đau ngực và khó thở, thì các triệu chứng xuất hiện rất đa dạng, phổ biến gồm có: Tức nặng ngực; Đau ở ngực, lưng, hàm và các nơi khác ở nửa trên cơ thể kéo dài trên 1 phút hoặc biến mất và quay trở lại; Khó thở; Đổ mồ hôi lạnh; Buồn nôn, nôn; Choáng váng hay chóng mặt đột ngột; Nhịp tim nhanh; Khả năng gắng sức bị giảm sút...

Khi bị nhồi máu cơ tim cần nhập viện cấp cứu càng nhanh càng tốt. Trong quá trình điều trị không nên bồi bổ. Khi bệnh đã ổn định mới tiến hành bồi bổ. Người bị bệnh này, thịt nạc, cá, các loại thịt gia cầm, hoa quả, rau xanh... đều có thể ăn được nhưng cần tránh ăn quá lạnh, quá nóng, không nên ăn quá no, nên ăn ít một và chia làm nhiều bữa.

Gà nhân sâm, mạch đông: Nhân sâm 9g, mạch đông 15g, thịt đùi gà 150g. Cho thịt đùi gà đã bỏ da và nước lạnh vừa lượng vào nồi, đun sôi 10 phút lửa nhỏ, cho nhân sâm, mạch đông vào hầm đến khi thịt nhừ, nêm gia vị (nên nhạt), ăn lúc nóng.

Cháo thuốc: Cháo gạo tẻ 1 bát to, cho thêm bột sơn dược tinh hoa cúc 1 thìa, ăn thường xuyên. Nếu phát bệnh vào mùa hè thì cho thêm 1 thìa nước hoa kim ngân.

Canh mộc nhĩ, quế hoa: Mộc nhĩ khô 25g (dùng nước lạnh ngâm 24 tiếng), quế hoa 3g, đường trắng 1 thìa. Cho mộc nhĩ đã ngâm nở và đường vào nồi đất, cho 1 bát nước sạch để lửa to đun sôi, sau đó hạ lửa nhỏ, đậy nắp, om nửa tiếng, đổ quế hoa vào, tắt lửa, đợi nguội ăn.

Bột cát căn hấp: Bột cát căn 30g, cho thêm một ít đường trắng, khuấy thành bột, hấp chín ăn, mỗi ngày 1 lần. Nên ăn thường xuyên.

Nấm khô sắc: Nấm hương hoặc mộc nhĩ 25g (cũng có thể phối hợp) rửa sạch cho vào nồi. Cho thêm 2 lít nước sắc lửa nhỏ 2 tiếng rồi uống.

Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top