Mỡ bụng - kẻ thù của sức khỏe

(khoahocdoisong.vn) - Ngoài đái tháo đường, mỡ bụng cũng liên quan tới các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư. Giảm trọng lượng dư thừa cũng là một trong những yếu tố giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Giảm 10% trọng lượng giúp kiểm soát đường huyết

Đái tháo đường týp 2 là một trong những bệnh không lây nhiễm đang gia tăng tại Việt Nam. Cơ chế đầu tiên khi mới mắc bệnh đái tháo đường týp 2 đó là sự đề kháng insulin, có nghĩa cơ thể không sử dụng insulin đúng cách hay insulin không thực hiện được chức năng. 

Các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường týp 2 là tuổi cao, béo phì, ít vận động, rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp, sử dụng lâu dài các loại thuốc corticoid, lợi tiểu…Bệnh bắt nguồn từ lúc tuyến tụy tăng tiết insulin để bù lại thiếu hụt, khi tuyến tụy suy giảm chức năng, không tiết ra đủ insulin để giữ cho mức đường huyết bình thường, đường không được đưa đầy đủ vào tế bào, lập tức tế bào sẽ bị đói, đồng nghĩa với việc lượng glucose trong máu sẽ tăng cao. PGS.TS Tạ Văn Bình, Giám đốc Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa cho biết, những người thừa cân, béo phì có nguy cơ bị đái đường týp 2 do sự dư thừa mỡ trong cơ thể, thúc đẩy quá trình đề kháng insulin. Các mô mỡ càng nhiều, càng có nhiều tế bào kháng với insulin.

Khi giảm trọng lượng cơ thể, tuyến tuỵ có thể lại bắt đầu sản sinh ra insulin. Gan có thể tự xác định được nguồn cung glucose của cơ thể và ngừng cung cấp ra lượng đường không mong muốn. Điều này giúp cho những bệnh nhân đang phải kiểm soát đường huyết có thể không cần phải dùng thuốc nữa. Để đánh bại căn bệnh này, bệnh nhân cần phải giảm khoảng 10% trọng lượng cơ thể và luôn duy trì ở mức đó.

Mỡ bụng liên quan tới nhiều bệnh

Người đái tháo đường, thừa cân nên ăn vừa đủ, không ăn quá no và không nhịn ăn, chia ăn nhiều lần thay vì ăn dồn lần, nên ăn đúng giờ, không ăn đêm. Thay các món có lượng calo cao thành các món có lượng calo ít hơn, thay khẩu phần ăn vặt có chứa chất béo và bánh kẹo, trà sữa thành các loại trái cây và các loại hạt. Duy trì chế độ ăn lành mạnh, ăn ít chất béo, không ăn mỡ động vật. Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Rau quả là thực phẩm có nhiều chất xơ hòa tan rất tốt cho cơ thể. Nên thay thịt bằng cá. Protein trong cá là chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, giúp cơ thể hoạt động mà không mệt mỏi. Protein cũng tạo cảm giác no lâu, làm giảm sự thèm ăn , duy trì cơ bắp trong quá trình giảm cân.

Người đái tháo đường thừa cân nên hạn chế ăn chất béo, thịt động vật, bơ, sữa, đồ ngọt, rượu, bia, hạn chế ăn tinh bột, thức ăn nhanh. Nghiên cứu trên các bệnh nhân đái tháo đường kèm theo thừa cân cho thấy, người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 chính là khối mỡ bụng của họ. Một người đàn ông có vòng bụng trên 91cm hoặc một phụ nữ có vòng bụng trên 81cm đều có thể có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường. Để giảm mỡ bụng phải giảm tiêu thụ calo, ăn tăng chất xơ làm giảm nồng độ insulin, tăng tốc độ đốt cháy mỡ nội tạng.

Ngoài đái tháo đường, mỡ bụng cũng liên quan tới các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư. Các tế bào mỡ nội tạng sản xuất hormon và các chất khác có thể làm tăng kháng insulin hoặc nguy cơ ung thư vú. Giảm trọng lượng dư thừa cũng là một trong những yếu tố giúp giảm nguy cơ đái tháo đường, ung thư, tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.

Theo Đời sống
back to top