Hỏi: Mẹ tôi bị bệnh tim được chỉ định phẫu thuật làm cầu nối động mạch vành. Xin hỏi, phẫu thuật này làm như thế nào? Có phải dùng máy tim phổi nhân tạo không?
Đỗ Thị Cúc (Hà Nội)
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch: Nếu mẹ bạn bị bệnh động mạch vành, điều đó có nghĩa là một hoặc nhiều nhánh động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn. Bác sĩ có thể chỉ định mổ bắc cầu nối để cung cấp nhiều máu hơn cho tim của mẹ bạn.
Khi máu trong lòng động mạch vành được lưu thông, bạn sẽ bớt đau thắt ngực, giảm các cảm giác khó chịu do bệnh lý động mạch vành, giảm mệt nhọc và nhu cầu dùng thuốc, tăng khả năng hoạt động thể dục thể thao, trả lại cảm giác hạnh phúc...
Đây là một phẫu thuật nhằm tạo lập một đường chảy tắt từ động mạch chủ tới phía sau vị trí tắc hẹp của nhánh động mạch vành. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ lấy một đoạn động mạch hoặc tĩnh mạch từ các phần khác của cơ thể sau đó được nối trực tiếp vào phía sau vị trí tắc, hẹp của động mạch vành tổn thương. Qua các cầu nối ấy, máu có thể chảy qua những nơi hẹp tắc và đến phần cơ tim được nuôi dưỡng bởi nhánh mạch vành đó nhiều hơn.
Phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành thường phải dùng máy tim phổi nhân tạo. Máy này sẽ hoạt động thay thế khi tim và phổi ngừng hoạt động trong khi phẫu thuật để nối được chính xác vào động mạch vành.
Hiện nay, tại Viện Tim mạch Việt Nam, các bác sĩ phẫu thuật đang áp dụng một phương pháp mới cho phép nối trực tiếp các nhánh mạch vào động mạch vành trong khi tim vẫn đang đập, không phải dùng máy tim phổi nhân tạo.