Điều gì xảy ra khi bạn bị động mạch vành?

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn (thường là do các mảng xơ vữa). Thông thường cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi động mạch vành bị hẹp trên 50% khẩu kính của lòng mạch.

Hậu quả phụ thuộc vào độ rộng của vùng nhồi máu

Quả tim là một khối cơ rỗng có vai trò giống như một máy bơm hoạt động liên tục, bơm đẩy khoảng 8.550 lít máu mỗi ngày vào hệ tuần hoàn, cung cấp cho toàn bộ cơ thể. Để cơ tim hoạt động được, cơ tim cần được cung cấp đủ máu giàu oxy. Máu được cung cấp cho cơ tim qua hệ thống động mạch vành. Các nhánh động mạch vành xuất phát từ gốc động mạch chủ. Hệ động mạch vành gồm có động mạch vành trái và động mạch vành phải. Các động mạch này chia ra các nhánh nhỏ hơn tới nuôi từng vùng cơ tim.

Bệnh động mạch vành xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh động mạch này bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn (thường là do các mảng xơ vữa). Thông thường cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi động mạch vành bị hẹp trên 50% khẩu kính của lòng mạch.

Khi hoạt động thể lực, cơ thể cần nhiều oxy hơn nên cơ tim phải làm việc nhiều hơn như tăng co bóp, tăng tần số tim, huyết áp tăng... do đó, nhu cầu oxy của cơ tim cũng tăng lên. Nếu một nhánh động mạch vành bị hẹp, sự cung cấp máu cho vùng cơ tim tương ứng trở nên không đầy đủ. Cơ tim bị thiếu máu và thiếu oxy gây cơn đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực này thường xảy ra khi bệnh nhân gắng sức và giảm đi khi bệnh nhân được nghỉ ngơi, nên người ta gọi là cơn đau thắt ngực ổn định.

Nếu các mảng xơ vữa trong động mạch vành bị nứt, vỡ ra thì cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, nên người ta gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định.

Bệnh động mạch vành không nhất thiết phải xảy ra một cách từ từ. Nếu mảng xơ vữa bị nứt, vỡ ra có thể gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành cục huyết khối gây tắc mạch, làm động mạch bị tắc hoàn toàn. Trong cả hai trường hợp này, các tế bào cơ tim bị thiếu oxy đột ngột, bị cạn kiệt nguồn dự trữ năng lượng và bị chết, nên người ta gọi là nhồi máu cơ tim. Hậu quả của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào độ rộng của vùng nhồi máu. Vùng cơ tim bị chết càng rộng thì chức năng tim càng giảm nặng. Đây là nguyên nhân thường gặp của suy tim.

Các dấu hiệu của bệnh động mạch vành

Cơn đau thắt ngực: Là một trong các dấu hiệu hay gặp nhất của bệnh động mạch vành. Đau ở vùng giữa ngực, sau xương ức hay vùng trước tim. Đau có thể lan lên cổ, ra hàm, ra cánh tay, thường gặp nhất là lan ra bên trái, đôi khi đau ở vùng thượng vị. Cảm giác bó chặt, thắt nghẹt, đè ép. đôi khi chỉ là cảm giác khó chịu trong ngực. Có trường hợp đau lan ra sau lưng, ra vùng cột sống làm người bệnh tưởng lầm là đau do thoái hóa cột sống thắt lưng. Đau thắt ngực khi gặp gió lạnh, đau lan ra tay trái...

Cơn đau thắt ngực ổn định: (còn được gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính hay đau ngực khi gắng sức) là điển hình nhất. Đau thắt ngực được gọi là ổn định, vì cơn đau xuất hiện lặp đi lặp lại với cùng một mức độ gắng sức, ít nhất là trong cùng một hoàn cảnh. Với cùng một cường độ gắng sức bình thường sẽ không gây đau ngực nhưng nếu trong điều kiện bị lạnh hay xúc động mạnh có thể gây ra cơn đau.

Đau thắt ngực ổn định thường tự hết từ 1 - 5 phút sau khi ngừng gắng sức. Đau thắt ngực có thể thầm lặng (không đau hoặc đau ngực không điển hình) gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Bác sĩ có thể chẩn đoán được sau khi làm một số thăm dò cần thiết.

Hội chứng động mạch vành cấp

Nếu cơn đau thắt ngực xuất hiện khi gắng sức nhẹ, hay khi bạn đang nghỉ ngơi, thì nhiều khả năng bạn đã bị hội chứng động mạch vành cấp. Hội chứng này bao gồm một số thể sau:

Cơn đau thắt ngực không ổn định: Cơn đau thắt ngực kéo dài hơn bình thường hoặc xuất hiện khi nghỉ ngơi. Bạn có thể chưa bao giờ bị đau thắt ngực khi gắng sức trước đó. Cơn đau thắt ngực không ổn định có thể tự hết, nhưng nguy cơ chủ yếu là có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim: Do tắc hoàn toàn một nhánh động mạch vành, gây hoại tử một vùng cơ tim. Nhồi máu cơ tim biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực xuất hiện khi nghỉ ngơi, cơn đau kéo dài hơn và mức độ đau thường dữ dội hơn. Cơn đau này khác với các cơn trước, thường kèm theo cảm giác lo lắng, khó thở, vã mồ hôi. Bạn có thể chưa bao giờ bị đau ngực trước đó. Hậu quả của nhồi máu cơ tim nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nếu không được điều trị sớm, có nguy cơ mất một phần cơ tim.

Đôi khi bạn có thể bị nhồi máu cơ tim mà không có biểu hiện đau ngực. Các bác sĩ có thể phát hiện ra nhồi máu cơ tim bởi tình cờ làm điện tâm đồ. Những người bị đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc lớn tuổi thường không rõ cơn đau ngực hay đau ngực không điển hình khi bị nhồi máu cơ tim, người ta thường gọi là nhồi máu cơ tim thầm lặng. Chỉ có điện tâm đồ và xét nghiệm máu là có thể nhanh chóng phân biệt được hai thể trên của hội chứng động mạch vành cấp. Do vậy, bạn nên làm các thăm dò trên càng sớm càng tốt.

Suy tim: Là một biểu hiện muộn của bệnh động mạch vành. Suy tim có thể xuất hiện sau khi bị nhồi máu cơ tim nặng, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác làm cơ tim bị yếu dần đi. Nhồi máu cơ tim cấp sau vài ngày, sau vài tháng...

Bệnh động mạch vành cũng có thể không hề có biểu hiện gì,chỉ khi thăm khám, đặc biệt là làm điện tâm đồ mới có thể phát hiện ra cơ tim bị thiếu máu. Đó chính là thiếu máu cơ tim thầm lặng.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Hoạt động của não bộ hoàn toàn phụ thuộc vào sự nạp máu. Nếu việc nạp máu cho não bộ bị ngưng lại dù chỉ 2 phút sẽ tổn thương nghiêm trọng. Để tăng tuần hoàn não, ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc, tập luyện giữ vai trò quan trọng.
back to top