Mì ăn liền Gấu Đỏ chứa chất cấm

Mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu Đỏ của Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu (Bình Dương) bị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (TFDA) công bố chứa hàm lượng chất cấm etylen oxit, nguy hại sức khỏe thế nào?

Theo TFDA, ngày 15/11, lô hàng mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu Đỏ (sour – hot shrimp flavor instant noodles) của nhà sản xuất/xuất khẩu là Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods Corporation) địa chỉ: Số 9/2, đường ĐT 743, khu Phố 1B, P.An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, được một doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) nhập khẩu, qua kiểm tra tại cửa khẩu phát hiện chất cấm etylen oxit không phù hợp với tiêu chuẩn. Trong đó, hàm lượng etylen oxit được phát hiện trên gói gia vị (3,438mg/kg) và ở vắt mì (0,107mg/kg).

Mì ăn liền tôm chua Gấu đỏ bị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan phát hiện chứa hàm lượng Etylen Oxit

Mì ăn liền tôm chua Gấu đỏ bị Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Đài Loan phát hiện chứa hàm lượng Etylen Oxit

Bộ Công thương vào cuộc làm rõ

Hiện Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods), yêu cầu báo cáo về thực phẩm có mối nguy chất cấm etylen oxit (EO) là sản phẩm mì ăn liền tôm chua thương hiệu Gấu Đỏ, trước ngày 25/11.

Đồng thời, đề nghị Asia Foods khẩn trương báo cáo về các vấn đề liên quan, thông tin về các loại sản phẩm thực phẩm bao gồm: tên sản phẩm, số lượng, lô sản xuất, hạn sử dụng, thị trường xuất khẩu, bản sao hồ sơ tự công bố thực phẩm kèm theo kết quả kiểm nghiệm do công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan trong năm 2022, cũng như quy trình công nghệ sản xuất mì ăn liền của công ty.

Doanh nghiệp cũng được yêu cầu đánh giá nguy cơ về khả năng xuất hiện etylen oxit trong các sản phẩm mì ăn liền do công ty sản xuất, kinh doanh kèm theo biện pháp kiểm soát tương ứng.

Người tiêu dùng hoang mang về mì ăn liền Gấu Đỏ

Trước thông tin trên, nhiều người dân hoang mang về sản phẩm mì ăn liền cùng thương hiệu đang được bán tại thị trường trong nước. Bà Trần Thị Thu Hoài (ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ: “Con, cháu tôi đứa nào cũng thích mì tôm, nhưng cứ thấy thông tin mì tôm chứa dư lượng chất cấm thế này tôi thực sự lo lắng, không biết sản phẩm mì gấu đỏ tại thị trường Việt Nam có bị dư lượng như vậy không?”.

Anh Trần Minh Hiếu (ngụ Dĩ An, Bình Dương) thì cho rằng, cơ quan chức năng về ATTP của Việt Nam cần vào cuộc lấy mẫu bất kỳ sản phẩm là miến gói, mì gói trên thị trường, để xét nghiệm thành phần chất cấm, vì hàng xuất khẩu mà tồn dư chất cấm vượt ngưỡng thì hàng dùng cho nội địa cũng khó có thể đảm bảo an toàn.

Etylen Oxit có thể gây đột biến, ung thư

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống, TS Phan Thế Đồng, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM cho biết, etylen oxit (EO) còn có các tên gọi khác như Ethylene Oxide (EtO), Alkene Oxide, Dimethylene Oxide. EO không phải thuốc trừ sâu dùng trong nuôi trồng, mà được sử dụng tiệt trùng thiết bị sản xuất, dụng cụ trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, sản xuất dược phẩm và thú y.

Ngoài ra, EO còn được dùng một lượng nhỏ để bảo quản thực phẩm, kho chứa nguyên liệu thực phẩm. Khi dùng EO thì khả năng dư lượng trong thiết bị, kho chứa thực phẩm là không tránh khỏi. Đây cũng được coi là một trong những nguyên nhân gây tồn dư EO quá liều lượng cho phép trong thực phẩm. Do đó, nếu sử dụng EO bảo quản thực phẩm, nhà sản xuất phải tính đến lưu lượng tồn dư EO trong thiết bị sản xuất và kho chứa nguyên liệu.

Mặt khác, gói gia vị trong mì tôm rất dễ bị hỏng, mốc, sâu mọt, nên người ta dùng EO để bảo quản được lâu. Nếu trong sợi mì cũng có dư lượng EO thì cần truy xuất nguồn gốc nguyên liệu khi nhập về, có thể đơn vị cung cấp nguyên liệu đã sử dụng EO để khử trùng kho chứa, thiết bị, bảo quản nguyên liệu...

“Liều lượng EO khi sử dụng để bảo quản thực phẩm phụ thuộc vào số lượng, thành phần trong nguyên liệu. Bởi nếu một thành phần nào đó trong nguyên liệu có khả năng liên kết EO thì phải hạn chế liều lượng khi sử dụng. Mặc dù EO là chất khí bay hơi, nhưng nếu nó gặp thành phần liên kết có trong nguyên liệu thực phẩm thì chỉ có thể bay hơi ở nhiệt độ từ 200 - 300 độ C.

Một số nước trên thế giới cấm sử dụng EO vì lý do bay hơi. Công nhân tiếp xúc trực tiếp với EO khi tiệt trùng thiết bị, bảo quản nguyên liệu thực phẩm... cần đeo mặt nạ, khẩu trang và bảo hộ lao động. Việc công nhân hít phải EO ở hàm lượng cao có thể dẫn tới phản ứng cấp tính như: Buồn nôn, nôn mửa, rối loạn thần kinh, viêm phế quản, phù phổi... Tiếp xúc da hoặc mắt với dung dịch EO gây kích ứng da và mắt ở người” – TS Phan Thế Đồng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Cơ quan hóa chất châu Âu phân EO là chất gây đột biến, ung thư. Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa EO với lượng nhiều và trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ gây hại sức khỏe.

Hiện, dư luận đặt câu hỏi: Asia foods cần nhanh chóng báo cáo thực tế tình hình sản phẩm mì ăn liền gấu đỏ vị tôm chua bị TFDA phát hiện có mối nguy chất cấm EO. Sản phẩm trên có cùng lô hàng với sản phẩm đang lưu thông tại thị trường Việt Nam hay không? Nếu có thì xử lý thế nào để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

Mì Hảo Hảo, miến Good cũng chứa chất cấm ethylene oxide

Năm 2021, một số lô mì Hảo Hảo và miến Good do Công ty Acecook Việt Nam sản xuất có chứa chất cấm ethylene oxide bị Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cảnh báo và thu hồi, do vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của EU.

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng nhận được thông tin cảnh báo về việc Liên minh châu Âu (EU) đã thu hồi sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh "Dried noodles with chicken - and beefspices", nhà sản xuất: Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương (TPHCM), tại thị trường Na Uy, do sản phẩm chứa 0,052mg/kg - ppm ethylene oxide, vi phạm chỉ thị số 91/414/EEC của EU.

Theo FSAI, việc sử dụng sản phẩm nhiễm ethylene oxide có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài.

Theo Đời sống
Tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu là ai?

Tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu là ai?

Bộ trưởng Bộ Công an điều động và bổ nhiệm Đại tá Lê Anh Hưng - Trưởng phòng, Phòng Điều tra các tội phạm khác, Cục An ninh điều tra (Bộ Công an), đến nhận công tác và giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
back to top