Đau tức ngực… cảnh báo nhiều bệnh

Nhiều người chỉ nghĩ đau ngực liên quan các bệnh lý tim mạch mà không biết đó là dấu hiệu bệnh ở phổi, tim mạch tiêu hóa, xương khớp... Nhận biết dấu hiệu bệnh lý của cơn đau có thể là chìa khóa vàng cứu sống tính mạng con người.

ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cảnh báo: Đau ngực là hiện tượng sức khỏe xảy ra ở nhiều người, thường dễ bị bỏ qua vì có biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên, nếu mức độ đau ngực nghiêm trọng và tần suất thường xuyên, sức khỏe chắc chắn có vấn đề, cần đi khám để không nguy hiểm tính mạng.

Chủ quan đau tức ngực, suýt mất mạng

Mới đây, nam bệnh nhân 54 tuổi ở Phú Thọ đến bệnh viện khám bệnh với biểu hiện đau thắt ngực trái kèm khó thở. Bệnh nhân cho biết, khoảng 2 năm gần đây, có nhiều đợt đau tức ngực trái, sau đó tự hết nên không đi khám.

Siêu âm giúp chẩn đoán tức ngực có phải là dấu hiệu của bệnh tim mạch.

Siêu âm giúp chẩn đoán tức ngực có phải là dấu hiệu của bệnh tim mạch.

Các triệu chứng tức ngực phổ biến

Đau ngực trái: Người bệnh cảm thấy bị khó chịu, đau tức ở vùng ngực bên trái. Cơn đau có thể xuất hiện một cách đột ngột và đau dữ dội hoặc bị đau ở ngực trái âm ỉ, dai dẳng.

Đau ngực phải: Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như làm việc, tập luyện gắng sức. Những bệnh lý về dạ dày như trào ngược axit dạ dày, ợ chua hoặc viêm khớp cũng có thể gây ra cơn đau ngực phải.

Ngoài ra, đau ngực phải còn có thể xuất phát từ nguyên nhân nguy hiểm hơn như do viêm phổi, viêm ở tim…

Đau ngực giữa: Người bệnh có cảm giác khó thở, lồng ngực như bị đè nén, ép chặt. Những bất thường ở mạch vành, động mạch xơ vữa, phần lớn đều có biểu hiện đau ngực giữa.

Đau ngực dưới (vùng thượng vị, trên rốn): Do vấn đề ăn uống gây ra bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày - thực quản, sỏi đường mật hay túi mật, thiếu máu cơ tim.

Đau ngực trên: Người bệnh cảm thấy đau tức ngực, khó thở, cảm giác vướng ở cổ họng hoặc có thể buồn nôn, nôn.

Gần đây, các cơn đau diễn ra thường xuyên, đau tức nặng, lan lên cổ, mỗi cơn kéo dài 30 phút đến 1 giờ. Sau khi có kết quả chụp động mạch vành qua da, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim, phải can thiệp nong, đặt 2 stent.

Bác sĩ Piter, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cho hay, rất nhiều bệnh nhân đau tức ngực không đi khám, khi nhập viện viện cấp cứu đã bị nhồi máu cơ tim cấp, nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp kịp thời.

Theo ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn, đau tức ngực là hiện tượng sức khỏe, ai cũng có thể gặp. Bệnh thường có biểu hiện nhẹ, xuất hiện đột ngột rồi hết nên mọi người hay bỏ qua mà không biết tức ngực có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau tại các cơ quan như đường tiêu hóa, tim mạch, phổi, xương khớp... hoặc vấn đề tâm lý...

Nguyên nhân do tim

Đau thắt ngực ổn định: Người bệnh tức ngực sau xương ức, nóng rát hoặc nặng ngực. Cơn đau thỉnh thoảng lan tới cổ, hàm, thượng vị (trên rốn), vai, tay trái. Cơn đau bị kích thích do tập thể dục, thời tiết lạnh hoặc do xúc động, thời lượng 2 đến 10 phút.

Đau thắt ngực không ổn định: Tương tự đau thắt ngực nhưng có thể nặng hơn và kéo dài hơn 20 phút, khả năng chịu đựng gắng sức thấp hơn.

Nhồi máu cơ tim cấp tính: Tương tự đau thắt ngực nhưng cơn đau trầm trọng hơn, khởi phát đột ngột, thường kéo dài từ 30 phút trở lên, kèm triệu chứng khó thở, suy nhược, buồn nôn, ói mửa.

Viêm màng ngoài tim: Triệu chứng là đau dữ dội nhất khi hít vào, kèm khó thở, mệt mỏi.

Do mạch máu

Bóc tách động mạch chủ: Triệu chứng cảnh báo như cơn đau dữ dội, khởi phát đột ngột ở mặt trước của ngực lan ra đằng sau, thường xảy ra khi tăng huyết áp.

Thuyên tắc phổi: Tình trạng này khởi phát đột ngột, gây khó thở và đau, nhịp tim nhanh.

Do phổi

Viêm màng phổi và/hoặc viêm phổi: Triệu chứng của người bệnh như đau, tức ngực khi hít thở, mỗi lần thở có nghe tiếng khò khè và nặng nhọc, ho khan kéo dài.

Viêm khí phế quản: Người bệnh có cảm giác nóng rát ở giữa ngực, kèm theo ho.

Tăng áp phổi: Đau tức ngực, chóng mặt, nhịp tim nhanh, khó thở, da tím tái.

Tràn khí màng phổi tự phát: Khởi phát đột ngột, gây đau ngực dữ dội, đau nhiều hơn khi hít thở, vật vã, tím tái, thở nhanh, thở nông, huyết áp tụt, mạch nhanh

Bệnh lý tiêu hóa

Trào ngược dạ dày thực quản: Người bệnh có cảm giác khó chịu ở vùng dưới xương ức và vùng thượng vị, thời lượng 10-60 phút, trầm trọng hơn sau bữa ăn lớn hoặc nằm ngay sau khi ăn. Cơn đau cải thiện nhờ thuốc kháng axit.

Loét dạ dày: Triệu chứng nóng rát kéo dài vùng thượng vị hoặc dưới xương ức.

Bệnh túi mật: Cơn đau kéo dài vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải, xảy ra vô cớ hoặc sau bữa ăn.

Viêm tụy: Người bệnh đau dữ dội vùng thượng vị và dưới xương ức kéo dài.

Bệnh lý xương khớp

Viêm sụn sườn: Triệu chứng đau nhói đột ngột, đau tăng khi cử động hoặc đè ép.

Bệnh đĩa đệm cổ: Khởi phát cơn đau đột ngột thoáng qua, tái phát khi cử động cổ, chấn thương hoặc gắng sức.

Do viêm: Cơn đau liên tục, nặng hơn khi cử động vùng ngực và cánh tay, đau rát kéo dài ở vùng da bị viêm.

Đau do tâm lý: Khi bạn quá căng thẳng, lo lắng về một vấn đề nào đó trong công việc hoặc cuộc sống, triệu chứng tức ngực có thể xuất hiện. Cùng đó, có thể cảm thấy khó thở hơn, tim đập nhanh hơn, đổ mồ hôi, tay chân run, chóng mặt…

Một số bệnh khác cũng có biểu hiện đau tức ngực kéo dài như zona…

Thăm khám cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim do đau tức ngực

Thăm khám cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim do đau tức ngực

Nhiều biến chứng nghiêm trọng

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, phân tích, tức ngực là tình trạng người bệnh có cảm giác lồng ngực bị đè nén lại, nặng nề ở ngực, gây khó chịu ở ngực hoặc cổ họng. Kèm đó thường là biểu hiện khó thở, tim đập nhanh...

Siêu âm gắng sức giúp chẩn đoán tức ngực có phải là dấu hiệu của bệnh tim mạch

Siêu âm gắng sức giúp chẩn đoán tức ngực có phải là dấu hiệu của bệnh tim mạch

Bị tức ngực do vấn đề nào đó trong cuộc sống thì không phải quá lo lắng, vì nó sẽ tự biến mất khi vấn đề được giải quyết. Tuy nhiên, nếu chứng tức ngực kéo dài, rất thể là vấn đề nghiêm trọng, không được khắc phục kịp thời có thể gây ra biến chứng.

Biến chứng ở tim: Các bệnh lý tim mạch thường có triệu chứng tức ngực. Nếu cơn đau với mức độ nặng và kéo dài, đó là dấu hiệu cảnh báo tim mạch đang gặp trục trặc, cần được khám và điều trị ngay. Các biến chứng ở tim đều rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tính mạng.

Biến chứng ở phổi: Bị tức ngực kéo dài có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng ở phổi như viêm phổi, tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi, ung thư phổi, tăng áp động mạch phổi…

Biến chứng ở đường tiêu hóa: Trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, ung thư thực quản, thủng dạ dày.

Các vấn đề về cơ xương: Chấn thương vùng ngực, căng cơ ngực, viêm sụn sườn…

Vì vậy, điều đầu tiên cần làm khi nhận thấy cơn đau tức ngực xuất hiện là ngừng công việc, ngồi xuống nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, có bóng râm, hít thở nhẹ nhàng. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh để điều chỉnh nhịp tim.

Trường hợp sau khi nghỉ ngơi, cơn đau vẫn không giảm, nên nhờ sự hỗ trợ của người xung quanh, đưa đến bệnh viện kiểm tra. Các bác sĩ sẽ khám lâm sàng và kiểm tra cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân gây tức ngực, đưa ra phương pháp điều trị.

Biện pháp phòng ngừa và cải thiện chứng tức ngực

Duy trì lối sống tích cực, hạn chế căng thẳng, áp lực quá mức.

Dành thời gian để thực hiện những điều bản thân yêu thích, thư giãn tâm trí.

Vận động đều đặn, luyện tập thể dục đều đặn các môn thể thao như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga.

Có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm có chất kích thích như rượu bia…

Thăm khám sức khỏe định kỳ để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Theo Đời sống
back to top