Bưởi chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể như vitamin C, kali, canxi,... Sử dụng lượng hợp lý, bưởi giúp ngăn ngừa nhiều bệnh, mang lại tác dụng làm đẹp (Ảnh: ET, minh họa)
Đầu tiên, bạn nên chọn vị trí khô ráo, thoáng mát để bảo quản bưởi. Bạn có thể tận dụng ngăn đựng rau trong tủ lạnh để bảo quản bưởi nếu số lượng ít. Trường hợp số lượng lớn, bạn nên để bưởi nơi khô thoáng, tránh ánh mặt trời. Nguyên nhân bởi bưởi rất nhạy cảm với nhiệt độ cao, ánh mặt trời sẽ khiến quả nhanh hỏng.
Dùng túi hoặc hộp kín bảo quản riêng từng quả sẽ giúp giảm tình trạng hư thối. Muốn quả giữ được lâu, không nên rửa trước khi bảo quản. Độ ẩm cao sẽ khiến quả nhanh hỏng hơn.
Tận dụng cát khô giúp giữ bưởi được 4-6 tháng. Nguyên nhân bởi cát khô hút ẩm tốt góp phần ngăn ngừa tình trạng bưởi hư thối do nấm mốc. Khi thực hiện, bạn chọn nơi thoáng mát, trải bìa carton xuống rồi dải một lớp cát khô.
Tiếp tục xếp bưởi thành hàng. Lưu ý, chỉ nên chất bưởi thành 2 tầng, không nên chất quá nhiều sẽ khiến lớp bưởi bên dưới bị dập.
Vôi tôi có thể diệt khuẩn và ngừa tình trạng thối hiệu quả nên có thể dùng để bảo quản bưởi tươi lâu. Bưởi sau khi thu hoạch, dùng vôi tôi chấm lên vết cắt rồi đặt nơi thoáng mát. Cách này giúp giữ bưởi tươi 2-3 tháng.
Trường hợp bưởi đã được cắt đôi, bạn nên cho vào túi nhựa, nhẹ nhàng ép không khí thừa ra ngoài rồi buộc kín túi, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Lớp túi nhựa giúp giảm tình trạng bưởi tiếp xúc với oxy, kéo dài thời gian sử dụng mà tép bưởi không bị nhớt.
Nếu bưởi đã bổ mà không dùng luôn, bạn cũng có thể tách vỏ, chia thành từng miếng nhỏ rồi đặt vào túi nhựa hút chân không, bảo quản trong tủ đông. Bằng cách này, bạn có thể giữ bưởi vài tháng mà không lo nhớt. Bưởi trữ đông thích hợp dùng làm sinh tố hoặc nước ép.
Lưu ý, thường xuyên kiểm tra xem bưởi có dấu hiệu mềm, đổi màu, đốm, mốc để loại bỏ sớm. Nếu không, tình trạng sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến những quả khác.