Dư chấn tinh thần đau hơn những cái tát
Trong vụ việc học sinh bị tát 231 cái, có một điều khiến nhiều người phải suy nghĩ là 23 em học sinh không có sự phản kháng nào, từ chối lệnh của cô giáo. Ngay cả em học sinh bị tát cũng đứng chịu trận. Chị có suy nghĩ gì về điều này?
Tôi cho rằng, nền giáo dục của chúng ta đã luôn hướng đến việc giáo dục một đứa trẻ biết nghe lời, tuân lệnh. Đây là kiểu giáo dục dễ bắt gặp nhất, mang tính chất độc đoán
Mô hình này có thể xây dựng nên những đứa trẻ vâng lời, phục tùng, nó làm cho đứa trẻ trở thành một đứa trẻ bị cai trị. Dần dần, tinh thần phản kháng của đứa trẻ sẽ bị kém đi. Và trong hoàn cảnh vụ việc học sinh bị tát 231 cái, trẻ nghĩ rằng ngoan sẽ đồng nghĩa với việc sẽ phải vâng lời giáo viên.
Ngoài ra, ở góc độ tâm lý, đôi khi đám đông có sức mạnh rất lớn. Các em sẽ nghĩ, mình nên làm theo đám đông, và đám đông có nghĩa là đúng.
Giảng viên Phan Hồ Điệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Kiểu giáo dục độc đoán sẽ tạo ra những sản phẩm giáo dục như thế nào, thưa chị?
Kiểu giáo dục độc đoán, ở nhà trường, giáo viên sẽ hay dùng quyền lực của mình để ép trẻ phải làm theo những gì mình yêu cầu. Mọi điều thầy cô nói ra đều phải được công nhận là đúng. Mọi thứ đi ngược lại đều được coi là “láo, bất trị” và cần trừng phạt.
Trong gia đình, cha mẹ dạy con theo kiểu độc đoán ít khi giải thích lý do về luật lệ hay nguyên tắc. Những câu mà bố mẹ hay nói với con là: Cấm cãi/ Mày có nghe không thì bảo/ Biết gì mà nói…. Nếu con làm ngược lại, cha mẹ cảm thấy bẽ mặt, tức giận.
Và thầy cô, bố mẹ sẵn sàng dùng bạo hành thể xác hoặc tinh thần đối với đứa trẻ để mong đứa trẻ tuân phục.
Nếu như đứa trẻ cứ phải sống ở trong môi trường mà gọi nôm na là bị áp bức, luôn luôn có tâm lý phải nghe lời thì sau này khi lớn lên, sẽ có hai tình huống xảy ra: Một, nếu các em là người làm chủ ở trong một công ty hay một nhóm người thì các em cũng sẽ áp dụng với tinh thần cai trị đó, đúng như những gì mình đã từng bị thuở ấu thơ. Hai, là các em sẽ có xu hướng sợ đưa ra quan điểm, sợ bị sai, bị người khác phản đối. Từ đó, không còn tính sáng tạo nữa, mất khả năng tự tin vào chính mình.
Như vậy, hậu quả sẽ là gì, thưa chị?
Hậu quả dễ thấy nhất là sự tức giận, bất mãn và uất ức trong những đứa trẻ. Chúng cũng thường tự ti, giận dữ, yếu đuối và luôn cảm thấy bất hạnh. Chúng kém óc sáng tạo và tư duy độc lập. Chúng có xu hướng muốn sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Cụ thể trong vụ việc học sinh bị tát 231 cái này, việc bị bạo hành cả về mặt thể xác và tinh thần sẽ để lại những nỗi ám sợ rất là lâu dài, không chỉ cho đứa trẻ đó mà còn cho cả một tập thể sau này. Khi các em lớn lên, từ ký ức về sự kiện này, các em có thể sẽ thiếu niềm tin vào cuộc đời, vào những người xung quanh. Những dư chấn về mặt tinh thần này, nó đau hơn những cái tát cụ thể trong một thời điểm rất nhiều.
Giáo dục Từ nghiêm
Từ vụ việc học sinh bị tát 231 cái, vậy phải chăng, chúng ta cần phải xem lại quan điểm, cứ ngoan là phải vâng lời, thưa chị?
Gần đây, đi đến các trường tôi thấy có một hiện trạng khá phổ biến: Trẻ em không chào hỏi, ăn nói với giáo viên với thái độ cộc lốc, tảng lờ những yêu cầu của giáo viên… càng những trường tư, hiện tượng này càng nhiều.
Các cô thường có lời giải thích là: chúng em khuyến khích sự tự do của các em. Có cô giáo còn nói mạnh mẽ hơn: Chị ơi, nhà trường theo khuynh hướng giáo dục Âu Mỹ, coi trọng sự tự do dân chủ.
Đây chính là mô hình giáo dục nuông chiều, là lối giáo dục “cho người khác quá nhiều sự tự do và muốn làm gì thì làm”. Các thầy cô, bố mẹ không đưa ra nguyên tắc, cũng ít khi có kỉ luật, hay nịnh con, thưởng quà cho con để con vâng lời, đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất.
Thầy cô “sợ” bố mẹ của các em. Đặc biệt là ở trường tư thường hay muốn lấy lòng phụ huynh, cho phụ huynh thấy mình đã chăm sóc, yêu thương con cái của họ một cách hết mức.
Trẻ em theo lối giáo dục này thường gặp nhiều vấn đề về kỉ luật trong nhà trường, về những lề luật, học lực không đạt như khả năng mà trẻ có thể đạt tới. Trẻ luôn đưa ra các đòi hỏi, ích kỉ, ít để ý đến những khó khăn vất vả của cha mẹ, tiêu tiền không có kiểm soát và khi lớn cũng dễ bị bạn bè lôi kéo vào các hành vi tiêu cực.
Như vậy, dường như dân chủ đã được hiểu theo cách cực đoan, thưa chị?
Theo tôi, hiểu dân chủ như vậy là chưa thấy được sự toàn vẹn của tinh thần này. Dân chủ luôn phải gắn với tinh thần trách nhiệm, với những nguyên tắc kiểm soát và quân bình lẫn nhau.
Có những việc mà trẻ vẫn phải vâng lời. Vấn đề là làm như thế nào để vẫn khuyến khích được sự tự do của trẻ, nhưng đồng thời với đó, trẻ vẫn phải có tính kỷ luật. Đây là lằn ranh rất mong manh.
Môi trường giáo dục gia đình cực kỳ quan trọng. Nếu như bạn luôn nói với con về những nguyên tắc, sự tự trọng, ý thức về tầm quan trọng của bản thân, cũng như việc được phản biện, được nói ra ý kiến của mình; Bạn không cho rằng việc trẻ đưa ra ý kiến của mình có nghĩa là cãi lại, ương bướng hoặc hư hỏng thì đứa trẻ đó sẽ có đầy đủ những phẩm chất để khi gặp những trường hợp không mong muốn, có thể nêu lên ý kiến cá nhân của mình. Ở đây, cần sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường, chứ không chỉ trông đợi vào môi trường giáo dục nhà trường.
Để giữ được lằn ranh đó, theo chị phải làm như thế nào?
Theo tôi, lý tưởng nhất, đẹp nhất và tất nhiên cũng là khó nhất, đó là kiểu giáo dục dung hòa hai kiểu giáo dục trên - TỪ NGHIÊM - có nghĩa cha mẹ, thầy cô vừa hiền từ vừa uy nghiêm.
Theo cách này, cha mẹ và thầy cô sẽ lắng nghe, chia sẻ, tâm sự, khuyến khích mọi thứ theo tinh thần dân chủ; Đề ra các nguyên tắc, luật lệ, nề nếp và yêu cầu trẻ phải thực hiện; Có những hình thức phạt vừa phải theo độ tuổi của trẻ nhằm mục đích nâng cao sự tự giác và ý thức được về hành động chứ không phải là hành hạ về thể xác và tinh thần.
Kết thúc phạt, bố mẹ và thầy cô khuyến khích trẻ cố gắng không tái phạm và bày tỏ sự tin tưởng vào những nỗ lực của trẻ; Cho phép trẻ được tự khẳng định chính mình; Dạy trẻ các quy tắc về giao tiếp ứng xử, các hành vi được phép và không được phép nơi công cộng.
Hình phạt nặng nề nhất là tòa án lương tâm
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh đòn trẻ ở mức như phạt trẻ vài roi, hay tét vài cái vào mông trẻ cũng không vấn đề gì. Cái này có nằm trong lằn ranh cho phép hay không, thưa chị?
Tôi hoàn toàn phản đối việc đánh học sinh. Ngay cả việc đánh con ở trong nhà tôi cũng không ủng hộ. Bởi vì việc xâm phạm đến thân thể của trẻ sẽ chỉ làm cho đứa trẻ trở nên hoảng sợ mà thực hiện theo lệnh của mình, chứ không phải giúp trẻ hiểu về bản chất của điều mà trẻ phải làm.
Nhưng với những trẻ cá biệt, lớp cá biệt, đôi khi các biện pháp giáo dục thông thường không có tác dụng?
Thực ra trong quan điểm giáo dục của tôi, tôi không nghĩ rằng là sẽ có những học sinh mà dán nhãn là cá biệt. Tôi nghĩ có những em có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường giáo dục, khí chất, hoặc là thói quen cho nên có thể có những hành vi không được như mình mong muốn. Nhưng tôi tin rằng bất kỳ con đường nào cũng có thể dẫn đến trái tim của trẻ mà không cần phải dùng những hình phạt liên quan đến thể chất và tinh thần của trẻ.
Ví dụ như trong cuốn sách về Kỷ luật tích cực, khi trẻ mắc lỗi, trẻ sẽ ngồi riêng ra một chỗ, trong một khoảng thời gian nhất định phải thực hiện một công việc nào đó (time out). Và người giáo viên sẽ hướng dẫn, giải thích cho trẻ hiểu. Như vậy, luôn có những cách phạt khiến trẻ sợ nhưng đồng thời trẻ có mong muốn được sửa đổi.
Vấn đề là, người giáo viên vội vàng, muốn trẻ phải thực hiện ngay những mệnh lệnh của mình, hay dành thời gian suy nghĩ, với tính cách như thế này, thì cần dùng phương pháp giáo dục nào phù hợp...
Có những đứa trẻ bướng bỉnh, nhưng lại rất cần lời nói ngọt ngào, cái động viên của thầy cô. Những điều như thế, nó sẽ làm cho đứa trẻ thay đổi rất là nhiều. Đến khi những đứa trẻ đấy lớn lên, nhớ lại thời kỳ gặp khủng hoảng đã gặp được sự giúp đỡ từ những người thầy, người cô thì sẽ có thêm niềm tin vào cuộc đời, con người.
Trong vụ việc học sinh bị tát 231 cái này, một câu hỏi cũng khiến tranh luận rất nhiều, là cô giáo có đáng được tha thứ hay không. Suy nghĩ của chị thế nào?
Mặc dù rất căm phẫn và lên án, nhưng vì nó liên quan đến nhân cách và danh dự của một con người, nên tôi nghĩ rằng tôi không có đủ thẩm quyền để nói về điều này. Tôi nghĩ hình phạt lớn nhất đối với cô giáo hiện giờ chính là tòa án lương tâm. Đó cũng là hình phạt nặng nề nhất đối với người làm nghề dạy học. Tôi cũng không đồng tình với các phương tiện truyền thông đăng ảnh cận mặt của cô cũng như học trò. Vì nó có thể ảnh hưởng tới gia đình, người thân của cô. Sau những khủng hoảng, đó là nơi cô giáo trở về.
Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có một chế tài phù hợp để tất cả những người giáo viên khác nhìn vào đó có thể thay đổi các hành vi mang tính bạo lực và xâm phạm đến thân thể học sinh chứ không phải chỉ là riêng dành cho cô giáo đó.
Trân trọng cảm ơn chị!
Ngày 19/11, cô Nguyễn Thị Phương Thủy, chủ nhiệm lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình đã yêu cầu 23 học sinh tát một nam sinh trong lớp do chửi thề, mỗi em tát bạn 10 cái, tát nhẹ sẽ bị phạt tát ngược. Cô giáo là người thực hiện cái tát cuối cùng, khiến nam sinh nhập viện điều trị. Cô Thủy đã đến gặp gia đình, thừa nhận sai lầm và xin tha thứ. Khoảng 10h ngày 28/11, cô giáo Thủy bị ngất xỉu ở nhà nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh.