TS Hoàng Ngọc Vinh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về dự thảo quy chế công tác học sinh, sinh viên mới đây của Bộ GD-ĐT, ông Vinh nói:
- Việc quy định cấm hoạt động mại dâm hoặc những hành vi vi phạm pháp luật khác trong môi trường giáo dục là cần thiết. Tuy nhiên, cần tránh chi tiết hóa những quy định luật pháp đã có và đưa vào các quy định của ngành một cách khiên cưỡng.
Một khi sinh viên đã vi phạm pháp luật thì cần mang các quy định của luật pháp xử lý và chỉ cần quy định khung và hướng dẫn nhà trường quy trình thủ tục xử lý.
* Việc đưa ra mức độ xử phạt dựa theo số lần hoạt động mại dâm có giá trị thế nào trong giáo dục học sinh, sinh viên "trót" vi phạm?
- Việc quy định kỷ luật học sinh, sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 mới buộc thôi học không mang tính giáo dục mà cũng chẳng phải là nhân đạo gì.
Có thể nói đối với hoạt động mại dâm có sự tham gia của học sinh, sinh viên, chúng ta chưa có nghiên cứu nào để minh chứng đó là tệ nạn có chiều hướng phát triển. Do đó, quy định cần mang tính chất răn đe nếu vi phạm một lần là đuổi học.
Trong xã hội, có thể do hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em sinh viên vừa học vừa làm để trang trải thêm cuộc sống, nhưng phải là việc làm không vi phạm luật pháp... Bởi lẽ, sau khi ra trường, sinh viên sẽ trở thành những trí thức bậc cao trong xã hội. Các em rất cần ý thức được mình là ai trong tương lai và nhà trường có trách nhiệm tạo mọi điều kiện giúp các em trau dồi, rèn luyện bản thân.
Cũng không loại trừ một số nhỏ sinh viên lười học, ham chơi và đua đòi nơi chốn phồn hoa dần dà từ hư chuyển sang hỏng lúc nào không hay có thể dẫn đến hành vi "bán dâm" hoặc sa vào nghiện ngập.
Ở đây có trách nhiệm rất lớn của nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ việc làm thêm chân chính cho sinh viên giúp các em tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống.
Việc đặt ra vi phạm dù chỉ hơn một lần cũng không nên vì vấn đề đạo đức hết sức nhạy cảm ở xã hội ta. Nếu chú ý đến cha mẹ sinh viên có con đi học xa nhà thì chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ rất khó yên tâm và tin tưởng vào một môi trường giáo dục có hoạt động mại dâm.
* Dù dự thảo quy định cho trung cấp, cao đẳng sư phạm đã được bộ rút ngay sau khi báo chí phản ánh, nhưng thực tế quy định tương tự đã được áp dụng cho sinh viên ĐH chính quy từ 2016. Quy định của văn bản đã có còn phù hợp không? Nếu không phù hợp thì nên xử lý thế nào? Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm gì trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sau sự cố này?
- Mặc dù bộ đã rút dự thảo nhưng thông tư số 16/2016/TT-BGDĐT vẫn còn quy định như vậy đối với tất cả các ngành đào tạo ĐH chính quy, nên việc cần làm ngay lúc này là phải ban hành một thông tư sửa đổi thông tư nói trên cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Qua sự cố này, bộ cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, giám sát việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án... nhất là các quy định nhạy cảm liên quan đến sinh viên, nhà giáo.
Trước khi soạn thảo cần rà soát các văn bản liên quan còn hiệu lực, nghiên cứu tác động của văn bản trước (ví dụ theo thông tư 16/2016/TT-BGDĐT thì tình hình mại dâm trong nhà trường như thế nào, có bao nhiêu vụ, tăng hay giảm, mức độ xử lý theo căn cứ luật pháp, nguyên nhân của hiện tượng mại dâm trong nhà trường...) để từ đó có nhiều giải pháp xây dựng, phòng ngừa từ xa liên quan đến công tác tư vấn hỗ trợ sinh viên về vay vốn, việc làm và những sinh hoạt lành mạnh khác.
Mặt khác, các vụ cần cử người có trách nhiệm, hiểu biết để tham gia xây dựng văn bản mà không chỉ đổ trách nhiệm cho một vụ chủ trì.
Cuối cùng, rất cần nghiên cứu thực tế của thế giới việc ban hành chính sách văn bản đỡ bị lỗi hơn.
* Một số chuyên gia cho rằng không nhất thiết đưa quy định xử lý sinh viên hoạt động mại dâm vào quy chế học sinh, sinh viên vì điều này đã được quy định trong luật. Còn ý kiến của ông?
- Như đã nói ở trên, trong môi trường giáo dục cần cấm hoạt động mại dâm, nhưng khi quy định trong quy chế công tác sinh viên thì chỉ cần ghi: "Mọi sinh viên vi phạm pháp luật hiện hành đều bị xử lý theo luật pháp. Tùy theo mức độ vi phạm nặng nhẹ, căn cứ vào quy định luật pháp, hiệu trưởng lập hội đồng kỷ luật và ra quyết định kỷ luật phù hợp" là đủ.
Xem xét kiểm điểm ban soạn thảo
Sau khi rút dự thảo khỏi website với lý do "trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất", Bộ GD- ĐT cũng cho biết sẽ "xem xét kiểm điểm trách nhiệm của ban soạn thảo và cá nhân có liên quan".
Theo Tuổi trẻ