PGS.TS Chung Á trò chuyện cùng PV KH&ĐS. Ảnh Trần Hải.
Làm nhục người khác
Việc công an thị trấn Dương Đông, Phú Quốc (CA PQ) công khai danh tính người mua, bán dâm, mô tả hành vi mua, bán dâm ở nơi công cộng đã gây bức xúc trong dư luận. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Theo tôi, có lẽ, CA PQ đã nhầm lẫn quy định của luật về việc công khai việc xử phạt vi phạm hành chính. Điều 72, Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định về việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, điều luật này quy định rất rõ đối với những trường hợp vi phạm hành chính về: an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế…
Trường hợp mua, bán dâm có thuộc phạm vi công bố công khai của điều luật này?
Hiện pháp luật Việt Nam không quy định cho cơ quan chức năng được công khai danh tính người mua, bán dâm, công khai thông tin cá nhân của người vi phạm hành chính liên quan hoạt động mại dâm, tình dục ra cộng đồng. Điều đó có nghĩa quyền nhân thân của công dân – người vi phạm hành chính (nếu có) đang được pháp luật bảo vệ.
Như vậy, việc công khai danh tính người mua, bán dâm của Công an Phú Quốc là sai luật, thưa ông?
Hành vi của CA PQ khi công khai danh tính người mua, bán dâm ngay trên hè phố cho nhiều người cùng biết đã xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của công dân. Hành vi này có dấu hiệu làm nhục người khác, là vi phạm pháp luật.
Trước mắt và lâu dài, khi nước ta không công nhận mại dâm là một nghề thì chúng ta phải tăng cường các biện pháp giảm tác hại do mại dâm gây ra.
Cần hạn chế phạm vi hoạt động của mại dâm. Khi chưa thể xóa bỏ được mại dâm thì nên cấp phép cho các loại hình hoạt động dễ nảy sinh mại dâm vào những khu vực nhất định để dễ kiểm soát về mặt hành chính, dễ can thiệp giảm thiểu tác hại như việc kiểm soát và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS, lậu , giang mai…
Những khu vực như vậy cũng dễ kiểm soát và chống lại các tội phạm về buôn bán và bóc lột phụ nữ, trẻ em. Tập trung vào những khu vực như vậy xa khu dân cư, xa trường học cũng đồng thời tạo dư luận xã hội và gia đình nhằm kiểm soát xã hội đối với những người tham gia vào các hoạt động mua, bán dâm.
Không thể cứ sai rồi lại tìm cách xin lỗi
Trả lời truyền thông, CA PQ có giải thích rằng, việc công khai danh tính người mua, bán dâm nhằm mục đích tuyên truyền, răn đe, giáo dục. Cách giải thích này có hợp lý không?
Trả lời phỏng vấn báo chí, Đại tá Lê Văn Mót, Giám đốc CA huyện Phú Quốc nói: Công khai hóa là việc làm thường xuyên của ngành công an đối với các đối tượng lầm lỡ, vi phạm lần đầu nhằm giáo dục, nhắc nhở để họ thấy được cái sai mà sửa chữa. Ngoài ra, qua đó để người dân ở khu vực xung quanh có ý kiến góp ý.
“Tuy nhiên, có thể do anh em làm gấp gáp, muốn ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương nên làm vội. Anh em có ý tốt thôi chứ không có gì xấu”.
Theo tôi, trả lời như vậy là ngụy biện, là không có tính thuyết phục. Nó thể hiện ông không nắm vững được các qui định rất rõ của luật pháp liên quan đến phòng chống mại dâm và xử phạt hành chính.
Sau khi có sức ép từ dư luận, công an lại tìm 4 người đã bị nêu tên đó để xin lỗi. Ông suy nghĩ như thế nào về việc này?
Việc công khai danh tính người mua, bán dâm trên hè phố là việc làm phạm pháp, là vi phạm nhân quyền không thể chỉ là việc công an đi tìm để xin lỗi công khai. Cơ quan chức năng của nhà nước không thể cứ làm sai luật pháp, hạ nhục người dân, rồi tìm cách xin lỗi.
Vậy theo ông nên làm như thế nào trong trường hợp CA PQ thực sự muốn xin lỗi?
Theo tôi không cần thiết phải đi tìm cho ra người bị hạ nhục vì họ không muốn lại một lần nữa bị ‘’bêu riếu” trước cộng đồng nên chỉ cần cơ quan CA PQ công khai thừa nhận việc làm trên là không đúng pháp luật, xin lỗi những người dân bị hại trên phương tiện truyền thông đại chúng là phù hợp.
Trong trường hợp này người bị “bêu riếu” trước cộng đồng chắc chắn không hề muốn tên tuổi, địa chỉ, nhân thân… của mình lại được công khai một lần nữa.
Những người bị “bêu riếu” đó có quyền khởi kiện không, thưa ông?
Những cá nhân bị làm nhục có thể khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan Công an, khởi kiện tại TAND huyện Phú Quốc hoặc thậm chí tố cáo tại CQĐT Công An tỉnh Kiên Giang để đảm bảo tính khách quan. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc kỹ sự việc này theo nhiều chiều, nhiều yếu tố khác nhau để xử lý.
Theo tôi ngành Công an cần lấy đây là bài học kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề có liên quan đến phòng chống mại dâm.
Là trái luật chứ không phải chuyện công bằng hay không công bằng
Vụ việc này một lần nữa làm xới lên vấn đề có nên công khai danh tính người mua, bán dâm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Chúng ta đã từng trải qua những kinh nghiệm đau đớn về việc công khai danh tính người mua, bán dâm. Đó là những hệ lụy về mặt tâm lý xã hội, hạnh phúc gia đình, về hiệu quả xã hội và đã có những bài học sâu sắc.
Việc công khai danh tính người mua, bán dâm hoàn toàn không làm giảm tệ nạn mại dâm mà càng làm cho mại dâm thiên biến vạn hóa dưới đủ mọi hình thức khác nhau làm cho công cuộc phòng chống mại dâm càng thêm khó khăn hơn.
Một số vụ mua – bán dâm bị bắt, thì tên người bán dâm bị công khai (ví dụ các người mẫu, “chân dài”), trong khi tên người mua dâm thì lại được giữ kín. Theo ông điều này có công bằng không?
Như trên tôi đã nói việc công khai tên tuổi người bán dâm cũng như người mua dâm đều không được các văn bản pháp luật cho phép.
Cho nên việc công khai danh tính người mua, bán dâm, đưa tên tuổi, nhân thân, hình ảnh người bị phạt hành chính về mua, bán dâm dù người đó là người mẫu, hay bất kỳ ai, dù họ là nam hay nữ đều trái luật hiện hành cần được chấm dứt. Khi đã trái luật thì không có chuyện công bằng hay không công bằng về vấn đề này
Có ý kiến cho rằng càng chống thì mại dâm lại càng gia tăng và tinh vi hơn, ý kiến của ông thế nào?
Tình hình mại dâm gia tăng hơn không phải do công tác phòng chống mại dâm mà liên quan đến nhiều mặt của các biến đổi xã hội. Việc hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay cũng kéo theo nhiều hệ lụy tích cực và tiêu cực. Các quan niệm về đạo đức, lối sống, các chuẩn mực xã hội đã có nhiều thay đổi so với mươi, mười lăm năm trước.
Thay đổi như thế nào, thưa ông?
Ví dụ, việc mua dâm nhiều lúc lại là nhu cầu không thể cưỡng lại được của một nhóm không nhỏ những người nam giới hoặc nữ giới.
Trong trường hợp cụ thể ở Dương Đông, Phú Quốc là của anh thợ hồ, khỏe mạnh, không vợ, không người yêu, trước nhu cầu tình dục bức xúc như cơm ăn, khí thở thì việc anh ấy đến với mại dâm còn tốt hơn, lợi hơn cho xã hội và cho anh ta là nếu đi hiếp dâm hay quấy rối tình dục sẽ làm cho xã hội rối loạn và anh ta sa vào con đường phạm pháp…
Như vậy khi xã hội đã có nhiếu biến đổi chúng ta cũng cần thay đổi cách nhìn, thay đổi các biện pháp đối với vấn đề mại dâm…
Trân trọng cảm ơn ông!
3 phụ nữ và 1 người đàn ông được cho là có hành vi môi giới, mua bán dâm đã bị Công an TT. Dương Đông, H. Phú Quốc (Kiên Giang) buộc đứng xếp hàng bên đường để công khai hành vi, danh tính qua loa phát thanh. Sự việc diễn ra ngày 29/1 trên đường Cách Mạng Tháng Tám, KP. 10, TT. Dương Đông, thu hút rất đông người hiếu kỳ, trong đó có cả trẻ em và khách du lịch.
Một số người đã quay lại cảnh này đưa lên mạng xã hội, gây ra làn sóng phẫn nộ. Người đàn ông duy nhất trong 4 người bị “bêu” trước đám đông được cán bộ công an chỉ đích danh: “Còn đây là anh P.V.T, là người đến trực tiếp mua dâm. Đề nghị anh T. bước lên. Anh T. tạm trú tại KP. 10, nghề nghiệp làm hồ. Do không có vợ nên anh T. thường hay tìm đến những nơi có hoạt động tình dục trá hình để thỏa mãn nhu cầu. Đây cũng là hình thức của một người đàn ông trong việc ăn chơi”.
Mai Loan (thực hiện)