Ma túy đá là gì?
Ma túy đá thực chất là hóa chất tổng hợp từ thuốc kích thích amphetamine, có tên khoa học là methamphetamin (trước đây còn xuất hiện với tên dược phẩm là Methedrine nên còn được gọi tắt là Met). Ma túy đá được xếp vào loại ma túy gây kích thích hệ thần kinh trung ương.
Ma túy đá
Trái với lời đồn đại cho rằng ma túy đá “an toàn”, các cuộc thử nghiệm khoa học cho thấy đây là hợp chất hoàn toàn độc hại. Về mặt tác dụng dược lý, khi thử trên súc vật, ma túy đá giống như thuốc lắc cho thấy có tác dụng hỗn hợp của sự kích thích hệ thần kinh trung ương và gây ảo giác bằng cách ảnh hưởng đến các chất sinh học trung gian của não là serotonin và dopamin, đặc biệt đối với serotonin.
Do tác động đến chức năng “sinh serotonin” của não mà ma túy gây nên hội chứng gọi là “hội chứng serotonin” (serotonin syndrome) gây thay đổi cách cư xử, thái độ, thuốc lắc còn gây tăng thân nhiệt (người nóng lên như bị sốt).
Quan trọng hơn hết là nó gây độc tính đối với não. Việc sử dụng ma túy đá lâu dài không đưa đến cái chết tức khắc hay từ từ cũng dẫn đến các bệnh tâm thần, từ lo sợ vô cớ, trầm cảm đến loạn thần kinh thật sự.
Loại thuốc gây nghiện nguy hiểm
Thay vì uống như thuốc lắc (dạng thuốc viên nén), ma túy đá (dạng tinh thể lóng lánh) được dân chơi đốt lên để hút (gọi là “đập đá”) sẽ cho tác dụng “phê” nhanh và kéo dài hơn rất nhiều so với các dẫn chất amphetamin khác.
Nhiều người vẫn cho rằng, ma túy đá không gây nghiện như các loại ma túy khác, tác dụng kích thích của nó chỉ thoáng qua trong cuộc vui và tác hại thì không đáng ngại. Thực chất đây là thuốc gây nghiện thuộc loại nguy hiểm.
Tiếng lóng của dân chơi khi sử dụng ma túy đá là “đập đá”.
Dùng ma túy đá lâu ngày sẽ dần dần đi đến dùng ma túy mạnh hơn là heroin, dùng đường uống, hút rồi sẽ đi đến dùng đường tiêm chích để “phê” nhanh, mạnh hơn. Và khi dùng độc chất ma túy bằng con đường tiêm chích sẽ không chóng thì chầy đi vào cửa “tử” vì bị nhiễm HIV/AIDS. Nói cứ thoải mái sa vào “cắn” (dùng thuốc lắc) hay “ục” (dùng ma túy đá) đều đưa vào cửa tử là do vậy.
Chưa có phác đồ cai nghiện ma túy đá
Nghiện thuốc là tình trạng không ngưng bỏ mà bắt buột phải tiếp tục dùng thuốc. Nghiện ma túy đá cũng thế, đã quen dùng sẽ có sự phụ thuộc cứ muốn tiếp tục dùng, nếu không sẽ cảm thấy rất khó chịu, tìm mọi cách dùng lại ma túy đá.
Người mới sử dụng ma túy đá thì việc dứt bỏ, cai không dùng ma túy đá nữa dễ dàng hơn, miễn là người đó có ý chí, quyết tâm cai. Nhưng người nghiện ma túy đá lâu dài, đặc biệt đã bị ảo giác, bị rối loạn tâm thần kéo dài thì việc cai nghiện có rất nhiều khó khăn.
Hội chứng cai của ma túy đá không giống hội chứng cai của heroin, có nghĩa là không có cảm giác đau nhức, không tiêu chảy, không ớn lạnh nổi da gà, không có cảm giác dòi bò trong xương, không vật vã… mà là buồn chán, luôn có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức, chậm chạp hoặc lầm lỳ, rất dễ bị kích động, dễ nổi giận, có thể hoang tưởng ảo giác, không kiểm soát được cảm xúc, hành vi.
Hiện nay chưa có phác đồ cai nghiện ma túy đá, mà chỉ trị triệu chứng như người bệnh được cho dùng thuốc an thần khi bị kích động, dùng thuốc chống trầm cảm khi bị trầm cảm, dùng thuốc trị tâm thần phân liệt khi bị loạn thần… Người nhà nên đưa người bệnh đến Trung tâm Sức khỏe tâm thần hay các Trung tâm cai nghiện ma túy để chữa trị.
Cần sự quan tâm của phụ huynh đến giới trẻ
Da nhăn nheo, lở loét, chảy máu mũi… là các biểu hiện của người nghiện ma túy đá.
Giới trẻ đã lạm dụng ma túy đá chỉ để tìm cuộc vui tạm thời, nhất là đạt được sự tê mê, lâng lâng trong cảm giác mà thực chất là ảo giác. Nhờ ảo giác mà các bạn trẻ cảm thấy hưng phấn nhảy nhót tưng bừng, “mê mẫn không còn suy nghĩ hoặc lo lắng gì nữa”.
Nguy hại là nếu lạm dụng chất gây ảo giác lâu ngày sẽ rất dễ đi đến sử dụng ma túy thật sự, Bởi vì, khi đã quen với cảm giác “phê” với ảo giác, các bạn trẻ rất dễ và sau đó có sự cưỡng chế, tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn là chơi thử heroin, từ hút đến tiêm chích, và rồi, chắc chắn sự nghiện tiêm chích ma túy cộng với sự nhiễm HIV/AIDS sẽ đến để gióng hồi chuông báo tử.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến giới trẻ dùng ma túy đá, nhưng chủ yếu là gia đình chưa quan tâm; một số gia đình khá giả, cha mẹ quá lo làm ăn nên không thường xuyên gần gủi, bảo vệ chăm sóc con em mình… Xin các bậc cha mẹ vì tương lai của thế hệ trẻ hãy chăm sóc con em tốt hơn.
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức – Khoa dược – ĐH Y dược TPHCM
Công an TPHCM