Men trời cho…
Người xưa đã sớm có những nhận thức và thực tiễn đối với tác dụng phòng và chữa bệnh của rượu thuốc.
Rượu ủ, cất được tốt thì như là men trời cho… uống ít thì điều hòa, khí vận hành, thần kinh khỏe mạnh, chống được rét, tiêu sầu, phấn chấn lên. (Ảnh minh họa - An Quý) |
Trong Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân đã ghi: “rượu ủ, cất được tốt thì như là men trời cho... uống ít thì điều hòa, khí vận hành, thần kinh khỏe mạnh, chống được rét, tiêu sầu, phấn chấn lên; nhưng uống bừa bãi thì tổn hại thần kinh, hao huyết, hỏng dạ dày, mất tinh lực, sinh đờm, hay cáu, những kẻ phàm phu sa đà quá độ vào rượu, luôn say túy lúy, dễ dẫn đến bệnh tật băng hoại...”.
Y học hiện đại nghiên cứu và cũng chứng tỏ rằng, uống rượu với một lượng thích hợp thúc đẩy tiêu hóa, dự phòng được các bệnh tật của tim và huyết quản; uống rượu với lượng vừa phải còn có thể tăng tốc độ của tuần hoàn máu, điều tiết và cải thiện sự truyền dẫn thần kinh, trợ giúp cho con người khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ. Còn uống rượu quá nhiều sẽ sinh ra trăm điều tổn hại với sức khỏe.
Các gia đình Việt Nam cũng có thói quen ngâm rượu thuốc dưỡng sinh để tẩm bổ. Tuy nhiên, cần phải biết rõ mình ngâm thuốc gì, tác dụng ra sao, cách chế biến như thế nào cho phù hợp để phát huy hiệu quả, loại bỏ độc chất... nếu thiếu hiểu biết mà tự ý ngâm rượu thuốc và dùng thì rất nguy hiểm.
Dụng cụ đựng rượu phải thật sạch, khô ráo, tráng rửa qua nước sôi để tiệt khuẩn. Bình rượu phải được đậy nắp thật kín, có dán nhãn ghi tên và tác dụng, thời gian điều chế và lượng dùng nhằm tránh lâu ngày bị nhầm lẫn. Để rượu thuốc nơi mát, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp gây phá hủy thành phần rượu thuốc làm giảm công hiệu. Có thể tạm chia rượu thuốc ra 2 nhóm chính là rượu thuốc chữa bệnh và rượu thuốc dưỡng sinh.
Rượu thuốc chữa bệnh: Mục đích sử dụng là để chữa bệnh nào đó (cảm mạo, đau nhức xương khớp...), chỉ sử dụng khi có bệnh. Sau khi khỏi bệnh thì không dùng.
Rượu dưỡng sinh: Các loại rượu bổ khí huyết, ôn thận tráng dương, dưỡng vị sinh tinh, dưỡng tâm an thần. Ví dụ: Rượu bổ tỳ ích khí: rượu nhân sâm, rượu đương quy hoàng kỳ; Rượu bổ âm dưỡng huyết: rượu đương quy, rượu tắc kè; Rượu bổ thận tráng dương: Rượu bao tử dê, rượu quy bản, rượu sâm nhung; Rượu bổ tâm an thần: Rượu ngũ vị tử...
Người cao tuổi nên dùng rượu có tác dụng bổ cả khí và huyết. Y học cổ truyền cho rằng, người thân thể gầy yếu thường âm suy khí hư, dễ bị bốc hỏa, tổn tân dịch nên dùng rượu tư âm bổ huyết. Người béo mập thường dương suy khí hư, dễ sinh đờm, sợ lạnh nên dùng rượu thuốc bổ tâm an thần. Uống rượu dưỡng sinh, người trung niên và cao tuổi mới nên dùng vì khi còn trẻ uống rượu dễ làm tổn thương thận khí.
Chữ Y (chỉ người thầy thuốc) trong chữ Hán, có chữ “dậu” ở phía dưới nghĩa là rượu, khởi nguồn của rượu thuốc và sự sản xuất ra rượu không tách rời nhau. (Ảnh minh họa) |
Phụ nữ đang có thai và cho con bú không nên uống rượu thuốc. Nếu đang hành kinh không dùng rượu có tác dụng hoạt huyết mạnh.
Cơ thể trẻ em dễ bị tổn hại vì cồn không nên dùng rượu thuốc, dễ bị trúng độc cồn, tổn thương gan, giảm trí nhớ, chậm phát triển trí lực.
Người bị xơ gan không nên uống rượu
Không sử dụng đồng thời cả rượu và cafein. Rượu làm giảm hoạt động của não, giảm huyết áp, giảm khả năng phán đoán. Cafein gây kích thích tăng huyết áp và nhịp tim. Khi kết hợp cả 2, không có sự trung hòa giữa chất gây ức chế và chất kích thích, có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bị ngộ độc.
Uống rượu đúng tiêu chuẩn, đúng liều lượng và tuyệt đối không pha rượu.
Khi uống rượu nên uống từ từ. Các loại bánh kẹo ngọt, nước uống có gas và thức ăn cay nóng không nên dùng chung khi đang uống rượu, kể cả việc hút thuốc khi uống rượu cũng cần hạn chế bởi lúc đó, có thể sẽ nhanh bị mệt và tinh thần không được tỉnh táo.
Uống rượu dưỡng sinh, người trung niên và cao tuổi mới nên dùng vì khi còn trẻ uống rượu dễ làm tổn thương thận khí. (Ảnh minh họa) |
Một vài bài rượu dưỡng sinh thường dùng ngày Xuân
Rượu bồi bổ khí huyết
Bài Thập toàn đại bổ hay còn gọi là bài Bát trân thang gia vị, Thiên kim tán gồm: Nhân sâm 12g, bạch truật 12g, bạch thược 12g, cam thảo 4g, chích hoàng kỳ 12g, đương quy 16g, nhục quế 4g, phục linh 12g, thục địa 16g, xuyên khung 8g, cho thêm đại táo 12g, dùng 3 thang ngâm với 3 lít rượu, ngâm sau 20 ngày ở thời tiết mùa hè, 30 ngày đối với mùa đông.
Ngày uống 30ml vào buổi tối trước khi ăn, có tác dụng tiêu thực, bồi bổ khí huyết. Bài này dùng cho người cao tuổi là phù hợp.
Người gan nóng hay mẩn ngứa, người huyết nhiệt, tăng huyết áp không được dùng. Lưu ý: Người không có bệnh, uống để bồi bổ sức khỏe có thể uống đều trong năm.
Rượu bổ dưỡng tâm an thần
Dùng bài Thiên vương bổ tâm gia giảm: Sinh địa 20g, táo nhân 20g, thiên môn 20g, bá tử nhân 20g, đơn sâm 20g, đảng sâm 20g, đương quy 20g, mạch môn 20g, huyền sâm 20g, bạch linh 20g, long nhãn 20g, khiếm thực 14g, viễn chí 10g, ngũ vị tử 14g, cát cánh 12g. Mỗi thang ngâm 1,5 - 2 lít rượu sau 1 tháng là được. Công năng: Bổ tâm, dưỡng huyết, thanh nhiệt, an thần... tốt với người nóng nhiệt bứt rứt khó ngủ, nhiều mồ hôi, hồi hộp, hay quên, hoa mắt chóng mặt, mộng tinh sinh lý yếu, miệng, môi khô lở.
Rượu kiện tỳ bổ khí huyết
Dùng bài Quy tỳ thang gia giảm: Nhân sâm 20g, bạch truật 20g, phục linh 20g, đương qui 20g, chích kỳ 20g, táo nhân 16g, viễn chí 16g, long nhãn 12g, thục địa 20g, liên nhục 14g, mộc hương 6g, trần bì 14g, chích thảo 6g. Mỗi thang ngâm 1,5 - 2 lít rượu sau 1 tháng dùng được. Công năng: kiện tỳ dưỡng tâm ích khí bổ huyết... dùng rất tốt với người tỳ hư, mệt mỏi ăn ngủ kém, hay quên, giúp ngăn ngừa bệnh tật kéo dài tuổi thanh xuân.
Sâm dương đại bổ tửu
Nhân sâm 10g, thục địa 15g, bạch thược 10g, đương quy 12g, xuyên khung 10g, câu kỷ tử 10g, ngưu tất 10g, đại táo 12g, hà thủ ô 10g, cẩu tích 10g, cốt toái bổ 10g, ba kích 10g, dâm dương hoắc 10g, quế nhục 5g rượu 2 lít ngâm 2 tuần uống được.. Công năng: Bổ tâm, bổ khí huyết, bổ thận tráng dương, mạnh gân cốt. tăng cường sinh lực...
Cho dù dùng loại rượu nào cũng phải theo sự tư vấn hướng dẫn của thầy thuốc y học cổ truyền. Rượu dưỡng sinh hay rượu chữa bệnh cần sử dụng có chừng mực, đúng liều lượng được hướng dẫn. Dù ngày Tết, vui Xuân cũng đừng nên quá say sưa mà hại thân, thường mỗi ngày chỉ nên uống 30ml trước khi ăn hoặc trước khi đi ngủ.
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Cơ sở 3 - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)