Nhớ ơn cụ Trần Khánh Dư
Một trong những người có công trong việc tìm hiểu sử làng Nha Xá với nghề dệt lụa ở vùng chiêm trũng là ông Đặng Văn Bằng, cán bộ văn hóa xã Mộc Nam. Theo ông Bằng, nghề dệt lụa ở Nha Xá có từ đầu thế kỷ XIV do cụ Trần Khánh Dư truyền lại.
Làng Nha Xá nằm bên đê mạn hữu sông Hồng, có đền Lảnh Giang nổi tiếng gần xa. Cụ Trần Khánh Dư chèo thuyền ngắm cảnh trên sông thấy làng quê trù phú mới lên bờ vào làng Nha Xá. Cụ dạy cho dân làng nơi đây cách trồng dâu nuôi tằm và dệt vải.
700 năm trôi qua với đủ mọi thăng trầm sóng gió, người Nha Xá từ già tới trẻ ai cũng biết dệt vải. Dù có lúc chán nản với nghề truyền thống nhưng chưa bao giờ họ phụ cái nghề mà cha ông để lại.
Ông Lê Như Thiều, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Duy Tiên cũng là người làng Nha Xá tự hào bảo: “Làng tôi có từ lâu đời, không ai biết chính xác thời điểm lập làng. Nhưng nghề dệt ở đây thì đích thực là do cụ Trần Khánh Dư truyền dạy, cả làng đều nhớ ơn và tôn cụ là tổ nghề của làng”.
Còn theo ông Đặng Văn Bằng, lụa Nha Xá từ xưa đã có tiếng nhất nhì nước Nam. Vì xa kinh thành Thăng Long nên lụa Nha Xá đành xếp hàng “á hậu” sau lụa Vạn Phúc. Rồi đến đầu thế kỷ XVIII, các lái buôn từ Sài Gòn – Chợ Lớn đã không quản đường xa vượt ngàn cây số đến Nha Xá đặt hàng bởi chất lụa óng mượt mà những người nông dân thuần phác làm ra.
Lụa Nha Xá có lịch sử 700 năm.
Bây giờ đến làng Nha Xá, ấn tượng đầu tiên là tiếng thoi đưa, tiếng máy dệt từng nhịp đều đặn vang lên khắp đầu làng cuối xóm rộn rã như có hội. Từ cụ già đến trẻ nhỏ đều tham gia công việc, người căng tơ xếp lụa, người dệt vải đan hoa…
Nhất nghệ tinh
Ở Nha Xá, tuy người dân vẫn làm nông nghiệp nhưng không lấy đó là chủ đạo. Bởi họ có nghề truyền thống nên việc trồng dâu nuôi tằm, dệt vải đan hoa mới là công việc chính.
Theo ông Lương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mộc Nam: “Nghề dệt vải tuy không giàu nhưng cũng giúp dân làng khá giả hơn, chí ít thì cũng hơn làm lúa. Hơn nữa, nghề dệt vải làm được thường xuyên, dù nắng mưa bão bùng gì cũng làm ra được sản phẩm”.
Làng Nha Xá hiện nay có 260 hộ dân với 800 nhân khẩu thì hầu hết các gia đình đều làm nghề dệt lụa hoặc những công việc liên quan đến vải vóc. Trong đó, Nha Xá có nhiều nghệ nhân giỏi làm ra được những sản phẩm thuộc hàng đẹp mắt và tinh túy nhất.
Nhà nhà dệt lụa.
Nói đến tay nghề của người Nha Xá, người ta không thể không nhắc tới những bí quyết gia truyền tích tụ 700 năm của làng nghề này. Từ khâu chọn tơ tằm đến cách tách lụa, dệt vải đan hoa đều rất tinh xảo.
Mỗi nhà, mỗi nghệ nhân đều có cách làm riêng biệt không ai giống ai nhưng đều cho ra sản phẩm thượng hạng khó mà chê được. Ngay cả khâu đơn giản nhất là nhuộm màu cho lụa cũng rất công phu. Từ phẩm màu đến cách pha chế đều được chọn lựa, tính toán tỉ mỉ để lụa không không phai, không ố màu.
Ông Đặng Ngọc Phương, Chủ nhiệm HTX dệt Nha Xá cho hay: “Từ những kinh nghiệm truyền lại, đời sau bao giờ cũng có những cải tiến đáng kể để sản phẩm lụa hợp với thời đại và thị trường. Chính vì thế mà lụa Nha Xá chưa bao giờ bị “mất điểm” so với các làng nghề truyền thống khác”.
Thời điểm thịnh nhất của lụa Nha Xá là đầu thế kỷ XIX khi nhà tư sản Bạch Thái Bưởi “ngửi mùi” lợi nhuận từ làng nghề này đã cho tàu cập mạn đê hữu sông Hồng mua lụa Nha Xá mang sang nước ngoài để quảng bá.
“Cai” lụa
Và ngay từ thời kỳ này, ở Nha Xá đã xuất hiện các “cai” lụa, tức là những người thu gom sản phẩm để bán ra thị trường. Thời điểm đầu thế kỷ XX, nhiều người ở Nha Xá đã mạnh dạn sang các nước như Hồng Kông, Nhật Bản… thậm chí cả các nước châu Âu để buôn bán vải vóc. Và những ngôi biệt thự Tây hiện nay còn tồn tại ở Nha Xá là minh chứng rõ rệt nhất cho sự thịnh vượng của làng nghề.
Nha Xá vẫn còn giữ được cách dệt lụa thủ công.
Còn bây giờ, tuy đã qua rồi cái thời huy hoàng nhưng những “cai” lụa của làng lại có cách làm ăn khác. Họ vừa là những chủ xí nghiệp dệt với hàng trăm máy công nghiệp, vừa đi thu mua sản phẩm để bán ra thị trường.
Một trong những “cai” lụa ấy là anh Lê Thanh Sơn. Hôm chúng tôi đến thăm, anh Sơn vui vẻ bảo: “Làm cái nghề “cai” lụa khác với các loại “cai” khác. Mình phải rành nghề, sản phẩm của mình phải thực sự tốt thì mới làm ăn lâu dài được”.
Ở giữa làng, vợ chồng anh Hoạt chị Hà cũng là “một đôi cai” có tiếng. Ở xưởng, hàng trăm thợ lành nghề vận hành máy dệt, mỗi ngày sản xuất được cả nghìn mét vải đẹp. Anh chị còn ra sức thu gom, chọn lựa sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Thế nên, người Nha Xá không sợ hàng tồn, hàng ế. Càng không sợ thất nghiệp hay sản phẩm kém cạnh những nơi khác.
Bán lụa cho người Vạn Phúc
Ông Đặng Ngọc Thành, Chủ nhiệm HTX dệt Nha Xá cho hay: “Có một thực tế hiện nay mà tôi biết là ở Vạn Phúc, nhiều người đã bỏ nghề và chuyển sang kinh doanh. Họ về Nha Xá để mua sản phẩm của chúng tôi”.
Tỉ mỉ từng khâu dệt sản phẩm.
Theo ông Thành, đó là một trong những dẫn chứng chứng tỏ lụa Nha Xá không kém cạnh lụa Vạn Phúc. Tuy nhiên, Nha Xá chưa xây dựng và bảo vệ được thương hiệu, càng chưa có một doanh nghiệp tâm huyết chuyên lo “đầu ra” cho sản phẩm.
Cái khó của làng lụa Nha Xá không chỉ nằm ở chỗ đó. Trong khi sản phẩm lụa của nhiều nơi không thể tiêu thụ thì Nha Xá lại rất đắt hàng, tuy nhiên Nha Xá lại gặp khó trong khâu vay vốn.
Như hiện tại, người Nha Xá vẫn phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí khó vay do nhiều vấn đề. Nếu có cái “chìa” của vốn thì cái “khóa” thương hiệu và hiệu quả bền vững chắc chắn sẽ mở ra với làng lụa 700 năm này.
“Không ai phủ nhận về chất lượng mẫu mã của lụa Nha Xá, nhưng người ta cũng kêu ca nhiều về sự ô nhiễm môi trường làng nghề. Hiện ở Nha Xá có 20 hộ làm tẩy truội khiến dòng nước biến thành màu đen đục, không được xử lý và thải ra môi trường. Từ năm 2000, chúng tôi đã kiến nghị với cấp ngành liên quan, thậm chí cả chuyên gia nước ngoài cũng vào cuộc nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương án xử lý”.
Ông Lương Văn Hùng
(Chủ tịch UBND xã Mộc Nam)
Trần Hòa