Lời nói

Cách nói chuyện không đơn giản là muốn nói thế nào thì nói mà nó là sự thể hiện của văn hóa ứng xử ở mỗi người.

Hình minh họa

Tôi vừa được gặp một bác ngoài 80 tuổi, người gốc phố Hàng Đào (Hà Nội). Trong lúc nói chuyện, bác thường nói: Thưa cô… khiến lúc đầu tôi đã phát hoảng lên vì tưởng có gì đó nghiêm trọng, bởi lâu nay có mấy ai xưng hô thế đâu.

Với lại tôi chỉ đáng tuổi con, cháu của bác, sao lại phải xưng hô trịnh trọng thế. Nhưng sau nghe quen, với lại cách nói chuyện của bác cũng nhẹ nhàng, nhún nhường như thế, thấy rất hay.

Khổ thế, mỗi một câu nói, một cách xưng hô mà cũng khiến ta phải suy nghĩ, phải cảm động đến thế. Đó có lẽ là vì, lâu lắm rồi ta mới được sống trong không gian văn hóa của cái thời xưa cũ, những thứ có lẽ chỉ còn thấy trong văn chương.

Cuộc sống đổi thay không ngừng, rất nhiều thứ đổi thay, đến cả cách chào hỏi, cách nói chuyện… cũng thay đổi. Vội vã đi làm, vội vã đi học, cuống cuồng chào nhau. Rồi có khi chỉ kịp gửi lời chào qua tin nhắn, dặn dò nhau qua FB.

Cứ để mặc mọi thứ cuốn đi, dễ dãi với mình, với con cái trong cách xưng hô, hồ hởi tiếp thu những cái mới, tự hào vì mình là con người hiện đại, sành điệu, hợp thời.

Với người trong nhà còn thế, ra đường còn đơn giản hơn. Cứ nghĩ ai cũng vội, thưa gửi rườm rà mất thời gian, nên ta cứ dần dần tước bỏ bớt, rút bỏ đến mức tối giản những lời nói với nhau. Nhiều khi, vội vã đi qua, còn chẳng kịp chào nhau.

Vậy nên khi nghe một lời thưa gửi nhẹ nhàng, dễ nghe đến thế khiến tôi cứ phải suy nghĩ mãi. Phải chăng chúng ta đã đánh mất rất nhiều khi không được dạy, không được thực hành và không dạy nhau cách thưa gửi lễ phép.

Cách nói chuyện không đơn giản là muốn nói thế nào thì nói mà nó là sự thể hiện của văn hóa ứng xử ở mỗi người. Có người cứ mở mồm là văng bậy, dù họ chẳng cáu giận gì mình, không chửi mình, nội dung câu chuyện cũng chẳng có gì bậy. Nhưng quen thế rồi.

Lại có người không nói to được, chuyện gì cũng rủ rỉ rù rì. Có người lại nói như băm như bổ. Có người quen nói những lời giả dối, quen dạy dỗ người khác, nói cho sướng mồm, mà chẳng thèm quan tâm người ta có thèm nghe hay không.

Được trò chuyện với bà hôm nay khiến tôi tin rằng, dù có đổi thay thế nào, thì trong cuộc đời này cũng vẫn còn có những người như bà, vẫn giữ cách xưng hô, cách ứng xử rất đẹp, rất thanh lịch của người Hà Nội xưa.

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top