Lời giải nào cho rác thải nông thôn

(khoahocdoisong.vn) - Việc thu gom, vận chuyển rác ở khu vực nông thôn thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, do đó chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom cũng như xử lý rác ở khu vực này.


80% lượng rác thải nông thôn chưa được thu gom

Việt Nam hiện có trên 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm hơn 73% dân số trong cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Chất thải ở khu vực nông thôn chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt. Trong thành phần chất thải sinh hoạt có khoảng 55-69% là chất hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, phụ phẩm nông nghiệp, rau, hoa quả…; 7-16% là chất thải có thể tái chế như nilon, giấy, nhựa, sắt vụn… được những người thu nhặt đồng nát thu gom; chất trơ khó phân hủy chiếm khoảng 12-36% chủ yếu là xỉ than, gạch vỡ…; chất thải nguy hại như pin, ắc qui không đáng kể, chỉ có khoảng 0,4%.

Đối với chất thải rắn phát sinh từ khu vực sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, đáng lưu ý là các loại chất thải rắn như bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với nhiều thành phần nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người. Khoảng trên 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt và hầu hết lượng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom để xử lý hợp vệ sinh và xả trực tiếp vào môi trường. Các áp lực lên môi trường nông thôn do các hoạt động sản xuất và dân sinh đang ngày càng rõ nét.

Trong các loại chất thải rắn nông thôn chỉ có chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp quản lý tại hộ gia đình, cơ sở sản xuất. Các loại chất thải còn lại được thu gom, xử lý tập trung mà không tách riêng từng loại.

Khảo sát thực tế của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 63/63 tỉnh, thành phố cho thấy, ở nhiều tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung, hầu hết các bãi chôn lấp đều không hợp vệ sinh.

Lối ra nào cho các địa phương

Dù trong chương trình xây dựng nông thôn mới các địa phương đã  cấp kinh phí để các xã xây dựng điểm tập kết rác, thành lập tổ hợp tác xã (HTX) thu gom rác từ hộ gia đình. Tuy nhiên rác thải nông thôn vẫn còn xuất hiện rất nhiều trên các vệ đường, trước cổng làng, chân cầu, ao hồ và các bãi đất trống trong khu dân cư…Trong khi đó, hầu hết lượng rác thải nông thôn lại không được phân loại và xử lý.

Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng, Nam Định) là xã đã được công nhận nông thôn mới từ các đây mấy năm, tuy nhiên đến đầu năm 2020, xã vẫn đang trong tình trạng rác thải không được thu gom, xử lý tập trung. Rác được vứt kín sông, ngập vệ đường.

Ông Trần Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung cho biết, mỗi ngày cả xã thải ra khoảng 2-3 tấn rác thải sinh hoạt nhưng bãi rác của xã đã quá tải và dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải nông thôn trên địa bàn đang vấp phải nhiều khó khăn do sự không đồng thuận của người dân địa phương.

Tại Bắc Ninh, mỗi ngày ở vùng nông thôn thải ra gần 400 tấn rác thải sinh hoạt các loại nhưng có hơn 20% được thu gom, tập kết vào nơi quy định để xử lý. Ở các làng nghề thuộc thị xã Từ Sơn và các huyện Yên Phong, Gia Bình…, lượng rác thải từ các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được người dân tự do thải ra đường, cống rãnh, bờ đê, sông lạch….

Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Nghiên cứu Ứng phó Biến đổi khí hậu và môi trường, nguyên nhân của tình trạng trên là do Nhà nước chưa có kinh phí xử lý rác cho khu vực nông thôn. Kinh phí thu gom được lấy từ nguồn thu các hộ gia đình chỉ đủ trang trải cho hoạt động của HTX. Thực trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi về lâu dài theo hướng chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh an toàn môi trường nông thôn và cho người dân.

Từ trước đến nay công nghệ chôn lấp rác thải sinh hoạt vẫn chiếm vai trò chủ đạo ở cả thành phố, thị xã và tuyến huyện. Tuy nhiên, ở tuyến huyện mới đầu tư bãi đổ rác đơn thuần, không xây dựng đúng tiêu chuẩn, trong khi đó tại tuyến xã hầu như chưa có bãi chôn lấp.

Một số tỉnh/thành phố được cấp kinh phí trang bị lò đốt rác quy mô nhỏ, tuy nhiên việc lắp đặt các lò rác thải công suất nhỏ cho từng xã như cách làm hiện nay của một số tỉnh/thành phố không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, do tính chất nhỏ lẻ phân tán, trình độ quản lý vận hành thấp... 

Ông Tuấn kiến nghị, để giải quyết bài toán xử lý rác thải nông thôn bền vững, ngoài sự chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước, sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp, còn phải thay đổi tư duy quản lý, từ quản lý hành chính sang quản trị kiến tạo, góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về hành vi xả rác ra môi trường.

Theo Đời sống
back to top