Theo số liệu của Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô thị Sơn La, năm 2019, mỗi ngày tỉnh phát sinh trên 300 tấn rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp, nhưng không được phân loại. Trong đó rác thải khó phân hủy chiếm đến 70%, hầu hết được đem chôn lấp.
Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải nông nghiệp như nilon để quây ruộng lúa chống chuột, túi nilon để bọc quả như trồng ổi, xoài… bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… không được phân loại, xử lý, mà vứt bừa bãi ra môi trường. Đây đều là rác thải tồn tại dưới dạng nhựa, khó phân hủy. Lượng rác thải này tồn đọng ở các mương, suối, sông, dẫn đến ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Trong khi đó, công nghệ xử lý rác thải nhựa ở tỉnh Sơn La vẫn đang được chôn lấp là chủ yếu, một phần được xử lý bằng phương pháp đốt tiêu hủy với quy mô khác nhau. Cách xử lý này vừa gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, ngân sách nhà nước, lại không tận dụng được giá trị của rác thải nhựa có thể tái chế. Đốt tiêu hủy xử lý triệt để hơn, tiết kiệm tài nguyên đất, nhưng đầu tư nhiều, thời gian triển khai dài, phát sinh khí thải dioxin, gây ô nhiễm môi trường…