Rác từ đất liền
Ở Việt Nam, lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa đang tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người năm 2019 là 41 kg/người, gấp hơn 10 lần so với lượng tiêu thụ 3,8 kg/người vào năm 1990. Hiện Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với khoảng 1,83 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, phần lớn các loại rác này không được thu gom, xử lý đúng cách, dẫn đến tình trạng gây hại môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người.
Tại Hội An, "núi” rác thải tại bãi rác Cẩm Hà, thành phố Hội An lên đến 272.852 tấn. Trong khi đó, mỗi ngày Hội An thải ra trung bình 100 tấn rác, cho nên sẽ đến lúc không còn chỗ để chứa.
Tại Huế, mỗi ngày toàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát sinh khoảng 600 tấn rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại. Riêng khu vực TP. Huế phát sinh mỗi ngày 200 tấn rác sinh hoạt thì có đến 6% là rác nhựa và túi ni lông. Trong khi đó, các nhà máy xử lý rác trên địa bàn đã quá tải từ lâu. Còn các bãi chôn lấp cũng đang dần trở thành “núi” rác….
Không chỉ tại Hội An hay Huế, nhiều điểm đến của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ về ô nhiễm môi trường, trong khi kế hoạch phát triển bền vững chưa được triển khai. Quản lý sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon và giảm phát thải, quản lý chất thải, quản lý phương tiện giao thông vận tải,... đang tác động tới sức khỏe con người.
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh ngành du lịch năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đã tăng 8 bậc từ 129 lên 121/trên 141 quốc gia. Tuy nhiên, nhiều chỉ số lại giảm bao gồm: thực thi các quy định về môi trường, giảm 23 bậc; mức độ nghiêm ngặt của các quy định về môi trường giảm 11 bậc…
Rác bức tử biển đảo
Năm 2019, Việt Nam thu hút khoảng trên 18 triệu lượt khách du lịch, cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quá lớn sẽ xả thải lượng lớn chất thải, trong khi tỷ lệ thu gom chất thải rắn chỉ đạt khoảng 70-80%, hầu như không được xử lý, chỉ chôn lấp, làm vượt quá khả năng xử lý và tự phục hồi của môi trường.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 1,2 kg/ngày đêm, trong khi mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5 kg/ngày.
Trong đó, lượng nhựa thải ra biển tại Việt Nam khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm (chiếm 6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), đứng thứ tư trong danh sách các quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.
Khối lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2020 dự báo khoảng 206.100 tấn, có thể chiếm đến gần 40% tổng rác nhựa ra biển. Điều này làm tăng nguy cơ ô nhiễm tại các đảo điển hình như Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm...
Dự kiến, tới năm 2020, lượng chất thải rắn trên đảo Cát Bà sẽ tăng 2,51 lần. Trong khi các bãi rác hiện tại của đảo đều trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Còn tại đảo Phú Quốc, mỗi ngày phát sinh khoảng 300 tấn rác thải sinh hoạt, nhưng chỉ gom tập kết về các bãi rác được khoảng 150 tấn…
Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch đến Việt Nam 3 năm qua rất ấn tượng, nhưng Việt Nam không được đánh gia cao về bền vững môi trường. Do không có kế hoạch hiệu quả trong quản lý chất thải, nguồn nước hoặc đất đai bị ô nhiễm, nhiều khu du lịch như Phú Quốc, Vịnh Hạ Long đang ngày càng kém hấp dẫn đối với khách du lịch.
Báo cáo Năng lực cạnh tranh ngành du lịch năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá: “Lượng rác thải hàng ngày quá mức, chất lượng nước và tình trạng không xử lý, cũng như các chương trình tái chế kém hiệu quả là vấn đề môi trường nghiêm trọng và Việt Nam được xác định là một nguồn xả chất thải nhựa lớn trên thế giới, khiến du khách e ngại và một đi không trở lại”.