Hải Dương: Sớm xác định nguyên nhân thiếu oxy khiến hàng trăm tấn cá lồng chết

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hải Dương đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm xác định các nguyên nhân gây thiếu oxy trong nước, rà soát các nguồn thải vào khu vực sông có nuôi cá lồng.
Chiều 8/4, ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN&PTNT đã chủ trì buổi làm việc với các địa phương, sở ngành liên quan bàn giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng bị chết.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hải Dương đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường sớm xác định các nguyên nhân gây thiếu oxy trong nước, rà soát các nguồn thải vào khu vực sông có nuôi cá lồng.
Som xac dinh nguyen nhan thieu oxy khien hang tram tan ca long chet
Cá lồng chết ngày 8/4.
Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình cá nuôi lồng bị chết, hướng dẫn hộ nuôi thu gom, xử lý xác cá chết đảm bảo không để thải ra môi trường; chuẩn bị tốt nguồn điện tại khu vực có lồng cá.
Các địa phương tuyên truyền hộ nuôi tăng cường tạo sục khí oxy, thuốc chống sốc; các ngành, địa phương kết nối và tạo điều kiện tối đa cho các thương lái đến thu mua cá.
Các công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, Công ty cổ phần quản lý công trình đô thị Hải Dương kiểm tra, kiểm soát việc xả chất thải, nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi trong phạm vi quản lý.
Trước đó, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, ngay sau khi các xã thông báo có hiện tượng cá chết, các cơ quan chuyên môn của Sở đã xuống các lồng nuôi kiểm tra và đánh giá tình hình.
Ngày 5-7/4, Sở đã phối hợp với Cục Thủy sản, viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Cục Thú y và Chi cục thú y vùng II (Bộ NNvà PTNT) nhằm nhanh chóng xác định nguyên nhân cá chết.
Trong đó, Cục Thú y đã lấy mẫu cá chết để kiểm tra kết quả kiểm tra lâm sàng và mổ khám các mẫu cá không quan sát thấy triệu chứng bệnh; xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm cho kết quả âm tính với KHV và SHV (2 loại bệnh dịch phổ biến).
Bên cạnh đó, Cục Thủy sản và viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã lấy các mẫu nước tại những vị trí có nhiều cá chết; kết quả cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao.
Theo đại diện sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, cùng với kết quả quan trắc môi trường của sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, qua kiểm tra, xét nghiệm và tham khảo ý kiến của một số chuyên gia, bước đầu có thể đánh giá cá nuôi lồng bị chết không có yếu tố dịch bệnh, mà do thiếu oxy.
Trong văn bản chỉ đạo ngày 5/4, UBND tỉnh Hải Dương giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xác định các nguyên nhân gây chết cá.
Đồng thời tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình nuôi cá lồng trên sông; hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục tình trạng cá chết.
Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện quan trắc chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông, tập trung tại các khu vực có nuôi cá lồng bị chết; chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan, tổ chức rà soát các nguồn thải vào các khu vực sông có nuôi cá lồng.
UBND huyện, thành phố, thị xã tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình cá chết và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống, khắc phục, thu gom, xử lý cá chết; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các nguồn thải trên các tuyến sông. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, liên tục cho các vùng nuôi cá lồng.
Như Tri thức và Cuộc sống đưa tin, những ngày qua, tình trạng cá nuôi lồng trên sông Thái Bình địa phận xã Tiền Tiến và phường Nam Đồng, thành phố Hải Dương chết hàng loạt khiến người nuôi cá lồng chịu thiệt hại lớn. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Sở NN&PTNT, có khoảng 300 tấn cá nuôi lồng bị chết. Con số thiệt hại cụ thể đang được các cơ quan chức năng thống kê.
Sáng 8/4, ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN&PTNT và Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long đã thực tế kiểm tra, động viên các hộ nuôi cá lồng có cá bị chết làm thiệt hại kinh tế trên sông Thái Bình thuộc phường Nam Đồng và xã Tiền Tiến. Ở cả 2 địa phương này hiện có 140 hộ nuôi với hơn 1.500 lồng cá.

>>> Mời độc giả xem thêm video Mời quý độc giả xem video: Bà Lê Thị Kim Loan, quận Tây Hồ, Hà Nội nói về việc không nên vứt bát hương, tro... xuống Hồ Tây gây ô nhiễm môi trường.

Theo Đời sống
back to top