Khoai môn có hương vị bùi, béo ngậy, có thể dùng để chế biến thành nhiều món như là nấu canh, làm bánh, chiên thành món ăn vặt…
Theo trang Healthline, 132g khoai môn khi nấu chín sẽ cung cấp 187 calo, 6,7g chất xơ, 30% mangan, là những chất dinh dưỡng mà mỗi người cần cho một ngày. Ngoài ra, trong củ khoai môn còn chứa 22% vitamin B6, 19% vitamin E, 13% đồng, 18% kali, 11% vitamin C, 10% photpho, 10% magiê.
Khoai môn là thực phẩm rất giàu vitamin, đặc biệt là vitamin B và vitamin C. Ảnh minh họa |
Cũng nhờ hàm lượng chất dinh dưỡng cao mà trong dân gian, khoai môn còn được gọi là “thuốc bổ của mùa thu".
Dưới đây là một số lợi ích tuyệt vời của khoai môn đối với sức khỏe:
Giàu chất chống oxy hóa
Lá và củ khoai môn đều là những nguồn cung cấp chất chống oxy hóa tuyệt vời, Đặc biệt, quercetin - một chất polyphenol được tìm thấy trong khoai môn có đặc tính chống viêm, chống virus và chống ung thư.
Ngoài ra, chiết xuất từ khoai môn còn có hiệu quả trong việc làm suy giảm sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Chất xơ và tinh bột kháng có trong củ khoai môn hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu rất tốt. Điều này là do chất xơ có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói và hemoglobin A1C, từ đó kiểm soát lượng đường trong máu.
Hơn nữa, tinh bột kháng có thể cải thiện độ nhạy của cơ thể đối với insulin, hormone được sử dụng để vận chuyển đường từ máu đến các tế bào. Tăng độ nhạy insulin có thể thúc đẩy kiểm soát lượng đường trong máu.
Canh gà hầm khoai môn thơm ngon bổ dưỡng. Ảnh minh họa |
Cải thiện tiêu hóa, tốt cho dạ dày
Khoai môn rất giàu tinh bột, protein, nguyên tố vi lượng, niacin, vitamin C và các thành phần khác. Đồng thời, nó còn chứa lactosan, có kết cấu mềm và mịn, dễ tiêu hóa, có tác dụng bồi bổ dạ dày.
Tốt cho huyết áp và tim
Không chỉ đề phòng bệnh tật, tác dụng của khoai môn còn rất có lợi cho huyết áp và tim mạch đấy. Khoáng chất kali trong thành phần của khoai môn giúp cho mạch máu khỏe mạnh, khả năng giãn nở tốt hơn nên đề phòng tăng huyết áp.
Tốt cho xương
Tuy là rau củ nhưng khoai môn có chứa một lượng canxi nhất định, hỗ trợ tối ưu việc hình thành và phát triển xương. Sử dụng khoai môn thường xuyên giúp bạn bổ sung thêm canxi và ngừa bệnh loãng xương sau này.
Da săn chắc
Khoai môn rất giàu collagen, có thể ngăn ngừa nếp nhăn sớm, duy trì độ ẩm, tăng cường độ đàn hồi, làm săn chắc và trì hoãn lão hóa da.
Giảm cân
Khoai môn chứa nhiều chất xơ và tinh bột nên dễ tạo cảm giác no, hạn chế cơn thèm ăn, do đó giúp giảm lượng calo tổng thể. Ngoài ra, ăn nhiều khoai môn còn giúp đẩy nhanh quá trình đốt cháy chất béo, giúp giảm mỡ, giảm cân hiệu quả.
Tăng cường sức đề kháng
Khoai môn chứa những hợp chất chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch, hạ đường huyết và kháng khuẩn. Tất cả các đặc chất này có thể phối hợp với các hợp chất hoạt tính sinh học có trong khoai môn, cụ thể là các hợp chất phenolic, glycoalkaloids, saponin, axit phytic và protein hoạt tính sinh học, tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể con người.
Ai nên hạn chế ăn khoai môn?
Tuy rằng tác dụng của khoai môn rất tốt nhưng nếu dùng sai cách, sai đối tượng vẫn có thể dẫn đến tác dụng phụ, đặc biệt là người đang có bệnh lý. Sau đây là một số đối tượng không nên ăn khoai môn thường xuyên.
Người có đờm: Vì khoai môn có thành phần nhiều nước và tính chất đặc biệt nên khi ăn khoai môn có thể làm cơ thể sản sinh nhiều đờm hơn.
Người bị dị ứng khoai môn: Nếu bạn có tiền sử dị ứng các loại khoai khác như khoai sọ, khoai lang,... thì cần cảnh giác khi ăn khoai môn. Ngoài ra những người đang bị chàm, mề đay, hen suyễn,... cũng không nên thêm khoai môn vào chế độ ăn vì khoai môn có thể gây ngứa và kích thích triệu chứng mẩn ngứa, tấy đỏ,... khi bị dị ứng nặng hơn.
Người bệnh gout: Mặc dù tác dụng của khoai môn tốt và thành phần dinh dưỡng dồi dào nhưng người bị bệnh gout không nên ăn khoai môn vì nguy cơ gia tăng nồng độ axit uric - nguyên nhân gây bệnh gout.
Người bị tiểu đường: Bệnh này cần kiểm soát lượng carbohydrate nên nếu ăn quá nhiều khoai môn sẽ khiến đường trong máu mất kiểm soát dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.