Hỏi: Lỗ đen do đâu mà hình thành?
Trần Thế Đức (Hà Nội)
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam: Lỗ đen (black hole) là một vùng không gian có hấp dẫn mạnh đến mức không một thứ gì (kể cả những bức xạ điện từ như ánh sáng) có thể thoát ra khỏi đó. Loại lỗ đen phổ biến nhất là lỗ đen khối lượng sao. Các sao nặng sau khi về già và phát nổ dưới dạng supernova, nếu phần lõi trong còn lại có khối lượng lớn hơn khoảng ba lần khối lượng Mặt Trời, nó không thể chống lại lực hấp dẫn của chính bản thân.
Việc này dẫn tới sự sụp đổ hấp dẫn khiến sao trở thành sao neutron và sau đó tiếp tục co lại uốn cong không - thời gian vào một điểm gọi là kỳ dị. Điểm kỳ dị này tạo nên một vùng không gian đặc biệt bao quanh có độ cong vô hạn là chân trời sự kiện. Khi một vật thể hay hạt bất kỳ đi qua chân trời sự kiện của lỗ đen, nó không thể đi ra khỏi đó do mọi đường đi đều bị uốn về phía điểm kỳ dị của lỗ đen.