Mắc bệnh hay lo, vừa rồi gia đình chị Thu Vân (Nam Định) có 2 người nhà mất cùng 1 năm nên chị rất sợ chuyện trùng tang. Chồng chị Vân mấy năm nay không có việc, các con ra trường rồi mà chưa xin được việc, kinh tế khó khăn. Tối nào đi ngủ chị cũng vắt tay lên trán suy nghĩ. Có những hôm chị thẫn thờ như người mất hồn, chả thiết ăn uống, người xọp hẳn đi.
Lời bàn: BS Nguyễn Thị Lan (Đồng Tâm, Hà Nội) cho biết, cuộc sống là chuỗi những ngày tháng lo lắng nhưng nếu để lo lắng quá mức sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Lo lắng ảnh hưởng tới giấc ngủ, bữa ăn, sức khỏe. Có một cách rất hay là trì hoãn sự lo âu, cho phép bản thân lo lắng, nhưng chỉ trong một vài khoảng thời gian nhất định trong ngày. Mỗi ngày có thể dành ra khoảng 30 phút để lo lắng. Nếu lo âu xuất hiện trong khoảng thời gian khác thì nên tự dẹp đi, tự nhủ sẽ suy nghĩ về nó sau. Nên để cho đầu óc và chân tay bận rộn, nếu rảnh có thể tập thể dục. Tập thể dục không chỉ tốt cho cơ thể, mà còn là phương pháp hiệu quả để giảm sự bồn chồn dẫn đến lo âu. Tập thể dục thường xuyên có thể sẽ hiệu quả hơn là sử dụng thuốc được kê toa để giảm thiểu mức độ lo âu.