Liệu pháp tự nhiên chống đau đầu ngày nắng nóng

Đau đầu do nhiệt là tình trạng hay gặp trong mùa hè, có thể dẫn đến say nắng, kiệt sức, ảnh hưởng sức khỏe. Vậy, cách gì ngăn ngừa đau đầu?

Các chất ô nhiễm trong không khí tăng cao góp phần gây đau đầu do nhiệt. Nắng nóng còn làm cơ thể khó điều chỉnh nhiệt độ hợp lý. Tiếp xúc lâu với ánh nắng Mặt trời, hoạt động thể chất dưới trời nóng cũng làm tăng nguy cơ đau đầu.

Chống nóng để giảm đau

Người bị đau đầu thường có các triệu chứng trầm trọng hơn do những yếu tố kích thích như độ ẩm quá cao, ánh nắng chói, thay đổi đột ngột về áp suất khí quyển. Mất nước cũng có thể ảnh hưởng mức serotonin, khiến đau đầu nặng hơn. Các bệnh liên quan nhiệt như kiệt sức vì nóng thường kèm theo triệu chứng đau đầu.

Đau đầu do nhiệt là tình trạng hay gặp trong mùa hè. Ảnh minh hoạ.

Đau đầu do nhiệt là tình trạng hay gặp trong mùa hè. Ảnh minh hoạ.

Để ngăn ngừa đau đầu do nhiệt cần thực hiện:

Hạn chế ở ngoài trời: Tránh tiếp xúc ánh nắng Mặt trời giờ cao điểm, hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ cao. Nếu ra ngoài, bạn nên mặc áo quần dài tay, đeo kính, tìm bóng râm để giảm tiếp xúc nhiệt độ cao.

Uống nhiều nước: Mất nước là một trong những triệu chứng đau đầu do nhiệt hoặc kiệt sức do nắng nóng. Người lớn nên uống đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày. Tăng lượng nước nếu phải hoạt động ngoài trời nắng và tham gia các bài tập thể dục thể thao toát nhiều mồ hôi. Lượng nước tiêu thụ mỗi ngày có thể tính cả nước lọc, nước canh, nước ép...

Ăn mặc thoáng mát: Ngoài phụ kiện bảo vệ như mũ lưỡi trai và kính râm, mặc quần áo nhẹ và thoáng mát cũng góp phần tránh mất nước, sốc nhiệt, phòng ngừa đau đầu.

Duy trì cân bằng điện giải: Đồ uống thể thao thay thế chất điện giải có thể giúp giữ nước và duy trì cân bằng điện giải khi tập luyện trong nhà. Bạn nên chọn các đồ uống giàu chất điện giải lành mạnh, ít đường.

Ăn uống lành mạnh: Dinh dưỡng rất quan trọng với sức khỏe tổng thể, duy trì năng lượng, tránh kiệt sức do nắng nóng. Ưu tiên chế độ ăn uống cân bằng chất dinh dưỡng, giàu thực phẩm có hàm lượng nước cao. Những ngày nắng nóng, nên tránh đồ uống chứa caffein, đồ uống có cồn như rượu, bia vì dễ mất nước.

Sử dụng kem chống nắng: Thoa kem chống nắng thường xuyên và tránh tiếp xúc lâu nhiệt độ cao cũng có thể giảm nguy cơ đau đầu do nhiệt.

Tăng cường thể lực bằng tập thể dục, dưỡng sinh, đều đặn để chống chọi thời tiết, giải tỏa được stress và đẩy lùi cơn đau đầu tái phát.

Tránh buộc chặt tóc: Buộc tóc quá chặt hay mang những thứ như mũ chật, băng đô chặt và cứng... cũng có thể làm cho da đầu nhạy cảm hơn và gây đau nhức đầu.

Không được bỏ bữa vì điều này làm giảm lượng đường trong máu và các chất dinh dưỡng khác gây nhức đầu.

Bổ sung vitamin: Tăng cường những thực phẩm giàu vitamin như rau củ, hoa quả (chuối, nước chanh, cam…), thuốc bổ vitamin B1, B2, B6, B12… để bồi bổ, giúp cơ thể thoát khỏi trạng thái mệt mỏi, đau đầu, kém tập trung.

Không hoạt động quá nhiều: Ngoài việc nhức đầu khi thời tiết thay đổi, bạn cũng có thể bị đau đầu do hoạt động quá nhiều. Những người chạy nhiều hoặc làm công việc nặng nhọc cũng có thể đau đầu. Thậm chí, một số người bị nhức đầu sau khi quan hệ tình dục.

Tránh chỗ đông người: Tránh đến nơi ồn ào, không khí ngột ngạt… dễ dẫn đến bị tụt huyết áp và hay gây ra những cơn đau đầu.

Giữ tinh thần luôn thoải mái và tránh tối đa căng thẳng, stress trong công việc và cuộc sống để cơn đau đầu không còn cơ hội tấn công bạn.

Mất nước là một trong những triệu chứng đau đầu do nhiệt hoặc kiệt sức do nắng nóng. Ảnh minh hoạ.

Mất nước là một trong những triệu chứng đau đầu do nhiệt hoặc kiệt sức do nắng nóng. Ảnh minh hoạ.

Các vị trí đau đầu thường gặp

Đau đầu hoa mắt là biểu hiện của các loại bệnh như: Các bệnh lý tim mạch (cao huyết áp, thiếu máu cơ tim…); bệnh đau nửa đầu (cơn đau có thể xảy ra đột ngột, dữ dội khiến người bệnh suy nhược và mệt mỏi); thiểu năng tuần hoàn não (lượng máu lên não giảm, làm giảm sự cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng nuôi não, gây đau đầu hoa mắt chóng mặt); các bệnh lý khác (bệnh tiền đình, rối loạn tai trong...).

Tùy vị trí đau cũng thể hiện bệnh lý khác nhau:

Đau ở trán và 2 bên thái dương: Căng thẳng, stress, mất ngủ. Hãy cố gắng nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn.

Đau xung quanh đầu, cảm giác giật giật kèm nhức mắt: Do sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều, cần hạn chế sử dụng các thiết bị này.

Đau ở vùng mặt nhất là vùng mũi và hốc mắt: Dấu hiệu viêm xoang. Hãy tập luyện thể dục thể thao giúp điều hòa khí huyết và mát xa 2 bên sống mũi mỗi ngày.

Đau ở vùng cổ vai gáy: Do dây thần kinh bị chèn ép, hãy mát xa vùng cổ, sử dụng túi chườm nhiệt.

Đau nửa đầu: Hội chứng MIGRAINE, thuốc giảm đau chỉ hỗ trợ tạm thời, về lâu dài hãy thay đổi lối sống, chế độ ăn hợp lý…

Người bị đau đầu do nhiệt có thể gặp các triệu chứng khác nhau như buồn nôn, chóng mặt, chuột rút, ngất xỉu, khát dữ dội, da lạnh, mạch nhanh...

Người đau đầu do nhiệt hoặc cảm thấy nhiệt độ cơ thể tăng cao nên chườm lạnh để đưa về mức bình thường. Đau đầu do nhiệt không được điều trị, triệu chứng có thể dẫn đến say nắng, kiệt sức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Người bị đau đầu thường xuyên đi kèm với các dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu... nên đi khám càng sớm càng tốt.

BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Theo Đời sống
Nguy hiểm rình rập khi dùng cồn nướng mực, cá

Nguy hiểm rình rập khi dùng cồn nướng mực, cá

Hiện nay, các loại cồn khô, cồn nước được sử dụng phổ biến thay thế bếp gas mini khi nấu ăn. Tuy nhiên, nếu không biết cách nấu, cách chọn loại cồn, người tiêu dùng có thể bị bỏng, trở thành những “ngọn đuốc sống”.
Những dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 thế giới. Ở giai đoạn đầu khi khối u còn khu trú ở một vị trí có nhiều khả năng điều trị hơn. Vì vậy, việc nhận biết dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm vô cùng quan trọng.
back to top