Sau thời gian vắng bóng bởi đại dịch Covid-19, Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 12 được Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung Ương phối hợp tổ chức cùng với EUNIC đã chính thức khai mạc vào tối ngày 3/6/2022 tại Hà Nội.
Đây là hoạt động giao lưu văn hoá đặc sắc, giúp cho khán giả trong và ngoài nước có cơ hội tiếp cận với các bộ phim tài liệu của Việt Nam; những người làm phim được giao lưu, học hỏi với các tác giả phim tài liệu nước ngoài để tìm hiểu những xu hướng sản xuất phim đương đại, hội nhập quốc tế.
Năm nay, Liên hoan Phim Tài liệu lần thứ 12 quy tụ 10 quốc gia châu Âu gồm: Áo, Bỉ (Wallonia-Brussels), Pháp, Italia, Đức, Israel, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc, Anh và nước chủ nhà Việt Nam. Liên hoan Phim sẽ diễn ra trong 10 ngày, các phim được chiếu miễn phí vào buổi tối từ ngày 3 – 12/6 tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, 465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
Ngoài 9 bộ phim của Việt Nam Mẫu Liễu Hạnh, Mạn đàm trà Việt, Chuyện cổ tích ở bản Rào Tre, Những người kể chuyện phố cổ Hà Nội, Đình làng Bắc Bộ, Hai bàn tay, Cuộc chiến không giới hạn, Phía sau ánh hào quang, Nữ du kích sông Hương, khán giả Thủ đô còn được thưởng thức những tác phẩm đặc sắc của điện ảnh châu Âu, đó là Vương quốc bất định (Anh), Helmut Lachenmann - Con đường của tôi (Đức), Cậu bé Samedi (Bỉ), Chuyển hướng mới (Cộng hòa Séc), Hãy cứu xóm làng (Áo), Omega (Tây Ban Nha), Phân tử (Italia), Mục tiêu chung (Israel), Công dân Nobel (Thụy Sĩ).
Phát biểu tại buổi khai mạc vào tối ngày 3/6, trước toàn thể các Đại sứ, đại diện Ngoại giao đoàn, các tổ chức quốc tế cùng khán giả yêu điện ảnh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông chia sẻ: Trong hơn một thập kỷ qua, Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu - Việt Nam tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng những người yêu phim tài liệu. Những bộ phim tài liệu mang hơi thở thời đại phản ánh chân thực cuộc sống với những giá trị nhân văn sâu sắc, đã giành được nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim trong nước và quốc tế cùng hội tụ tại Liên hoan phim này.
Đây là sự kiện văn hoá điện ảnh hết sức ý nghĩa, thông qua sự kiện này chúng ta có dịp tìm hiểu, khám phá về những vùng đất, con người ở mỗi quốc gia, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các nước châu Âu và Việt Nam".
Ông Wilfried Eckstein, Chủ tịch EUNIC Việt Nam, Viện trưởng Viện Goethe phát biểu: "Phim tài liệu cung cấp những hiểu biết sâu sắc mà chúng ta khó có được. Họ đưa chúng ta đến những nơi khó có thể đến, gặp những người mà chúng ta hiếm khi gặp trực tiếp. Cũng bởi bản chất của thể loại nghệ thuật nghe nhìn này phản ứng nhanh với những thay đổi, chẳng hạn như bộ phim Italia được thực hiện trong đại dịch khiến chúng ta được ở lại một đêm tại Venice xinh đẹp... Ưu thế lớn nhất của phim tài liệu là nền tảng nghiên cứu và tinh thần báo chí của dòng phim này, chúng quan sát các chuyển biến xã hội và ý nghĩa của những thay đổi ấy với cá nhân".