Sản phụ V.T.U (sinh năm 1998, Hà Nội) nhập viện tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc và giảm đau trong tình trạng tiền sản giật nặng, béo phì, phát hiện tiểu đường thai kỳ từ tuần 12 có điều trị insulin. Được biết, trước khi mang thai, sản phụ nặng 132kg, cân nặng hiện tại là 155kg.
Sau khi tiến hành hội chẩn, với tình trạng tiền sản giật nặng tiến triển xấu, các bác sĩ đã chỉ định mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
Ca mổ diễn ra khó khăn do sản phụ có lớp mỡ dày, gây khó khăn trong quá trình gây tê và phẫu thuật. Bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp trong quá trình gây tê nên được các bác sĩ theo dõi rất sát sao.
GS. TS. BS. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện và ekip phẫu thuật thành công lấy một bé gái 2600g hồng hào, khỏe mạnh. |
Do sản phụ bị tiểu đường thai kỳ, béo phì, có lớp mỡ thành bụng dày nên có nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, kèm theo tiền sử tiền sản giật nặng nên sản phụ cần được theo dõi sát nguy cơ sản giật sau mổ. Hiện tại, sản phụ và em bé đang được chăm sóc, theo dõi và điều trị tại khoa Dịch vụ D4.
Các chuyên gia sản phụ khoa cho biết, 2 – 8% phụ nữ mang thai bị tiền sản giật. Tiền sản giật có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ); làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí chết trong tử cung.
Tỷ lệ tử vong ghi nhận ở mẹ khoảng 16% và ở con là 30%. Do chưa xác định được nguyên nhân của tiền sản giật nên chưa có cách điều trị đặc hiệu và phòng ngừa bệnh này.
Hiện chưa có cách dự phòng tiền sản giật. Muốn tránh được tiền sản giật giúp giảm tỷ lệ tai biến và giảm tỷ lệ tử vong cho mẹ và con, phải phát hiện và điều trị sớm nhiễm độc thai nghén. Do đó, phải đi khám thai đều đặn.