Lấy mẫu quá tải tăng nguy cơ lây nhiễm
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để đảm bảo an toàn, trong quá trình lấy mẫu, cán bộ lấy mẫu có thể sử dụng 1 đôi găng tay y tế và khử khuẩn găng tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh sau mỗi lần lấy mẫu, thay găng sau khi khử khuẩn tối đa 6 lần hoặc khi găng bị hỏng...
Lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng. |
Mặt khác, cán bộ lấy mẫu bệnh phẩm, nhân viên y tế có tham gia hoạt động lấy mẫu tuyệt đối tuân thủ quy trình mặc và cởi phương tiện phòng hộ cá nhân; trong quá trình lấy mẫu không thực hiện các hoạt động khác (như ăn, uống...).
Tuy nhiên, từ ngày 29/6 - 10/7, TPHCM triển khai đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19, tiến hành xác định khu vực khoanh vùng trong vòng 1 giờ hoặc sớm hơn sau khi có xét nghiệm khẳng định nhiễm Covid-19 trên nguyên tắc khoanh vùng nhanh để lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và phong tỏa hẹp; có kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ để nhanh chóng tầm soát các ca nhiễm.
Về việc tăng cường công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho người dân, người lao động tại tất cả các quận - huyện, TP Thủ Đức, ngành y tế thành phố sẽ phải tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại các quận, huyện đang có nhiều ca nhiễm. Bao gồm Quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh. Dự kiến 150.000 - 200.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Tuy nhiên, một số người dân e ngại việc lấy mẫu xét nghiệm Covid - 19 và mong muốn ngành y tế xem xét lại cách lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
TPHCM thực hiện nguyên tắc khoanh vùng nhanh để lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và phong tỏa hẹp. |
Anh Trung P. chia sẻ: “Tôi và ba mẹ ở yên tại nhà trong khu vực bị phong tỏa vì có ca nhiễm. Gia đình test lần một, lần hai trong 8 ngày đều âm tính. Đến lần ba lấy mẫu ngày thứ chín phong tỏa, tôi và ba dương tính được tới Bệnh viện Củ Chi. Hai cha con không có triệu chứng. 4 ngày sau lấy mẫu lần thứ tư, mẹ và người giúp việc dương tính đưa vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Cả nhà đều không ra đường trừ lúc lấy mẫu...”.
Bạn đọc này cho biết thêm, người lấy mẫu không sát khuẩn kỹ, không thay bao tay sau tối đa lấy mẫu ống. Phòng thu lấy mẫu không kín gió...
PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn TP HCM khuyến cáo, việc lấy mẫu quá tải ở TPHCM như hiện nay có thể tăng thêm nguy cơ lây nhiễm virus.
Virus SARS-CoV-2 chủ yếu chỉ lây qua giọt bắn và tiếp xúc, nhưng thao tác lấy mẫu xét nghiệm có thể khiến virus SARS-CoV-2 phát tán trong không khí, gây nguy hiểm, ngay cả khi chúng ta đảm bảo khoảng cách 2m. Bên cạnh đó, số lượng lấy mẫu quá nhiều trong một thời gian ngắn, nhân viên lấy mẫu không thể tuân thủ đúng việc thay găng, rửa tay giữa mỗi lần lầy mẫu và có thể dẫn đến lây nhiễm chéo qua tiếp xúc.
PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư đề nghị, việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc phải tuân thủ đúng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản, lên lịch hẹn từng người, tránh tiếp xúc, tránh tập trung đông người. Nhân viên lấy mẫu phải tuân thủ đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trường hợp có triệu chứng nhẹ, không có yếu tố nguy cơ, xem như ca nghi ngờ cách ly tại nhà theo hướng dẫn không cần xét nghiệm. Trường hợp nghi ngờ cần nhập viện hoặc nhân viên y tế không có triệu chứng và có tiếp xúc với người bệnh thì bắt buộc xét nghiệm.
Cũng theo WHO, nhân viên y tế không có triệu chứng cũng như không rõ có tiếp xúc người bệnh nhưng nếu đang ở trong khu vực có lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải thực hiện xét nghiệm. Còn những khu vực đóng như trường học, bệnh viện, cơ sở dài hạn… chỉ cần xét nghiệm những ca đầu tiên và xem tất cả những ca không triệu chứng khác là nghi ngờ, cách ly.
Dù nguy hiểm vẫn giữ tinh thần lạc quan
Điều dưỡng Cao Thị Yến Ngọc, đội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, Bệnh viện Da liễu TPHCM tâm sự, công việc lấy mẫu rất nguy hiểm vì khi lấy mẫu mình phải đứng đối diện với bệnh nhân để đưa tăm bông vào vùng hầu họng, vùng mũi. Những động tác này dễ kích thích ho, hắt hơi và khi đó phát tán virus ra bên ngoài gây nguy hiểm cho đội lấy mẫu cũng như người xung quanh.
Cử nhân xét nghiệm Nguyễn Thị Yến Nhi, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết thêm, từ những ngày đầu mùa dịch, đội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của Bệnh viện Da liễu TPHCM liên tục đi lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng. Do số lượng mẫu trong cộng đồng cần lấy rất lớn nên có những ngày lấy mẫu đến 12h đêm mới về đến nhà. Công việc rất vất vả.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc. (Nguồn: HCDC) |
Điều dưỡng Lê Thị Như Ngọc cũng chia sẻ, công việc lấy mẫu rất vất vả. Có những lúc thở không nổi, khát nước đến đờ đẫn, mồ hôi bên trong áo phòng hộ đọng thành vũng… nhiều lúc đi lấy mẫu 5 ngày liên tục…
Trước tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Nhằm “bơm” năng lượng tích cực, tinh thần lạc quan khi làm việc, trước giờ đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngoài cộng đồng, những nhân viên đã cùng nhau nhảy theo bài hát “Covid nhanh đi đi”.
Các nhân viên y tế Bệnh viện Da liễu TPHCM luôn động viên nhau và truyền năng lượng tích cực cho mọi người vượt qua dịch bệnh Covid-19 này. |
Giai điệu sôi động, bùng nổ năng lượng tích cực từ vũ điệu vui nhộn của đội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của Bệnh viện Da liễu TPHCM đã tạo năng lượng, khích lệ tinh thần làm việc cho đồng đội cũng như mang lại niềm động viên tinh thần cực lớn cho tất cả chúng ta giữa lúc dịch bệnh đang gia tăng và diễn biến phức tạp.
“Công việc vất vả nhưng các thành viên đội lấy mẫu luôn giữ tinh thần lạc quan, truyền năng lượng tích cực cho đồng đội và hy vọng với sự đồng lòng của người dân, Covid-19 sẽ biến mất một ngày gần nhất,” chị Yến Ngọc tin tưởng.
Bệnh viện Da liễu TPHCM đã cử nhiều đoàn y bác sĩ lên đường làm nhiệm vụ phòng, chống dịch. Hiện Bệnh viện đang cử nhiều đội nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm Covid -19 trong cộng đồng; đội làm nhiệm vụ tại Trung tâm Cách ly Tập trung Phòng chống Covid-19 tại Ký túc xá Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông; Đội làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2; Đội tiêm chủng văcxin phòng chống Covid-19…