Theo cơ quan chức năng, đường link này thực chất là lấy thông tin cá nhân rồi lừa đảo. Bên cạnh đó, một số kẻ giả danh phòng dịch đi phun thuốc khử khuẩn để xịt thuốc mê; phát khẩu trang tẩm thuốc mê để chiếm đoạt tài sản.
Công an TPHCM cảnh báo "lợi dụng truy vết F1, F2, người đi khử khuẩn... để lừa đảo". |
Một thủ đoạn khác là giả danh chống dịch đến nhà, đề nghị đóng tiền cọc chích ngừa văcxin Covid-19 sau đó chiếm đoạt tiền; hoặc thông qua mạng xã hội hoặc trực tiếp đến nhà người dân để vận động quỹ phòng chống dịch để thu tiền bất chính.
Một số đối tượng còn giả mạo lực lượng có thể gửi hướng dẫn qua thư điện tử tin nhắn để người dân đăng ký tiêm văcxin tuy nhiên đường dẫn này chứa virus tấn công máy tính, ăn cắp dữ liệu cá nhân.
Vì vậy, Công an TPHCM yêu cầu khi phát hiện các trường hợp nêu trên, người dân cần báo ngay cho công an gần nhất hoặc gọi 113 để được hỗ trợ.
Sở Y tế TPHCM cũng cảnh báo người dân cảnh giác với số điện thoại lừa đảo 10881119. |
Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng vừa phát đi thông tin cảnh báo vì hiện nay có trường hợp số 10881119, tự xưng là Ban chỉ đạo chống dịch. Đây là số giả mạo (số tổng đài y tế chính xác là: 18001119). Nhiều người đã bị số này gọi đến, hỏi thăm và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng...
Trước đó, Sở Y tế TPHCM cũng đã cảnh báo lừa đảo tiêm chủng văcxin Covid-19. Cơ quan chức năng cho biết người dân đang sinh sống tại Việt Nam được tiêm văcxin ngừa Covid-19 miễn phí. Do đó, mọi người dân cần bình tĩnh chờ đợi đến lượt mình được tiêm chủng khi cơ quan y tế thông báo. Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm văcxin phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác.
Sở Y tế TPHCM cũng nhấn mạnh, người dân chỉ đi tiêm chủng văcxin phòng Covid - 19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động; tuyệt đối không tiêm chủng những loại văcxin ngừa Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được Bộ Y tế kiểm định cấp phép.