Tắc mạch kéo dài từ động mạch trong bụng đến chân
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật can thiệp Tim mạch & Lồng ngực, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa tiến hành phẫu thuật lấy huyết khối động mạch chậu phải, động mạch đùi - khoeo chân phải cho ông Trần Văn H. (60 tuổi, Quảng Yên, Quảng Ninh).
Ông H. nhập viện với triệu chứng đau tê, lạnh vùng đùi, cẳng chân, bàn chân, đi lại đau tăng và khó khăn. Sau khi tiến hành thăm khám các, siêu âm doppler động mạch và CT.Scanner động mạch chậu - chi dưới, các bác sĩ chẩn đoán có huyết khối trong lòng nhiều đoạn từ động mạch chậu phải - động mạch khoeo phải cấp tính và chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy huyết khối.
BSCKI Nguyễn Đức Hoành, Trưởng khoa Tim mạch & Lồng ngực cho biết, đây là một trường hợp rất khó và phức tạp do đoạn động mạch bị huyết khối cấp tính gây tắc mạch dài, nhiều đoạn kéo dài từ động mạch trong bụng (động mạch chậu chung phải) đến động mạch đùi - động mạch khoeo phải gây thiếu máu cấp tính. Động mạch chậu và động mạch khoeo nằm sâu phía sau khó tiếp cận nên rất khó thao tác dụng cụ. Tuy nhiên, nếu không tiến hành phẫu thuật lấy huyết khối kịp thời người bệnh sẽ bị hoại tử chân phải, nguy cơ cắt cụt chi là rất cao.
Sau khoảng 1 giờ can thiệp, toàn bộ huyết khối được lấy bỏ thành công. Ngay sau can thiệp, tình trạng đau tê chân cả người bệnh giảm dần, mạch ở vùng bàn chân có dấu hiệu của sự lưu thông máu tốt. Phim chụp kiểm tra sau can thiệp cho đoạn động mạch bị thuyên tắc đã được loại bỏ.
Theo BSCKI Nguyễn Đức Hoành, tắc động mạch nuôi chi cấp tính xảy ra do sự tắc nghẽn đột ngột lòng động mạch bởi cục máu đông hay một mảng xơ vữa…trong hệ tuần hoàn đưa tới hoặc hình thành tại chỗ. Đây là cấp cứu ngoại khoa tim mạch, làm thiếu máu nuôi cấp tính phần chi mà động mạch đó nuôi dưỡng. Nếu tình trạng thiếu máu này không được giải quyết thì phần chi bị thiếu máu nuôi sẽ hoại tử trong vòng vài giờ đến vài ngày.
hần huyết khối của người bệnh sau khi được lấy bỏ. |
Phát hiện điều trị sớm tránh phải bỏ chi
BSCKI Nguyễn Đức Hoành khuyến cáo, thuyên tắc động mạch do huyết khối tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Một trong số đó là nguy cơ hoại tử, tháo bỏ chi thể nếu không được xử trí kịp thời. Trường hợp cục máu đông này lưu hành theo tĩnh mạch về tim phải và sau đó sẽ được tim bóp lên phổi, có thể có nguy cơ gây thuyên tắc phổi, một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, phát hiện và điều trị sớm ở bệnh này là vô cùng quan trọng.
Biểu hiện của bệnh là đau xảy ra đột ngột và dữ dội ở chi bị tắc mạch, buộc bệnh nhân phải ngưng mọi sinh hoạt. Người bệnh có cảm giác tê bì và kiến bò. Tại vùng chi bị tắc động mạch, chi lạnh hơn bên không bị tổn thương. Đặc biệt, ngay sau khi động mạch bị tắc, da ở vùng chi bị thiếu máu nuôi trở nên tái nhợt hơn so với bên chi lành, sau đó sẽ xuất hiện những đốm tím rải rác do sự xuất huyết hoại tử ở vùng mô thiếu máu nuôi; Mất mạch dưới chỗ động mạch tắc...; Cơ liệt dần, lúc đầu bị giảm chức năng, cử động các ngón ở chi bị tắc động mạch yếu hơn bên lành, sau đó cơ bị liệt hoàn toàn.
Hiện với nhiều phương pháp như phẫu thuật, đặt stent kết hợp với vật lý trị liệu, người bệnh sẽ được điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Vì vậy, khi có các biểu hiện như: đau tê, lạnh vùng chân, cẳng chân, bàn chân, di chuyển khó khăn cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa mạch máu để được khám và điều trị kịp thời.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch Việt Nam: Tắc động mạch chi dưới hay gặp nhất là do nguyên nhân xơ vữa mạch máu. Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát được bao gồm tuổi, người già từ 60 tuổi trở nên có tỉ lệ mắc bệnh động mạch chi dưới cao hơn. Yếu tố thứ hai là tiền sử gia đình bị bệnh lý mạch máu ngoại biên hay bệnh tim mạch, hay đột quỵ. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đối được bao gồm: hút thuốc lá, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tăng huyết áp, lười vận động...