Lao xe vào CSGT: Chống người thi hành công vụ hay giết người?

Hành vi lao xe vào người thi hành công vụ với tốc độ cao có khả năng dẫn đến chết người, tình huống này có thể khởi tố vụ án hình sự về tội giết người.
Công an huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đang tạm giữ Cao Văn Lý (65 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Tường) đề điều tra hành vi chống người thi hành công vụ.
Khoảng 14h20 ngày 5/2, Cao Văn Lý điều khiển xe ôtô BKS 88A-288 trên đường đê tả sông Hồng theo hướng xã Tuân Chính đi cầu Vĩnh Thịnh. Đến thôn Hoàng Xá (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường), Lý bị tổ CSGT Công an huyện Vĩnh Tường yêu cầu dừng xe để đo nồng độ cồn.
Cao Văn Lý bất tuân hiệu lệnh của tổ công tác, điều khiển xe đi ngược chiều, lao thẳng đến vị trí tổ công tác. Một cảnh sát giao thông đứng ngay phía trước đầu xe nên buộc phải bám trên nắp capo của xe ô tô để tránh va chạm gây thương tích. Lý không dừng xe mà tiếp tục bỏ chạy khoảng 2km. Đến xã Tuân Chính đã gây tai nạn với một xe mô tô khiến 1 người bị thương. Cảnh sát giao thông cũng bị hất văng từ capo xe rơi xuống đường, bị thương. Lý điều khiển xe bỏ chạy và trình diện tại cơ quan công an.
Lao xe vao CSGT: Chong nguoi thi hanh cong vu hay giet nguoi?
Hình ảnh vụ việc.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, clip được đăng tải cho thấy, hành vi của Cao Văn Lý là rất nguy hiểm. hoàn toàn có thể gây ra tai nạn, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, đặc biệt là đối với cảnh sát giao thông đang bám trên capo xe. Đây là hành vi chống người thi hành công vụ đến mức có thể bị xử lý hình sự.
Trong vụ việc này có mấy vấn đề đặt ra. Thứ nhất, về phía người thi hành công vụ. Trong những tình huống như vậy (người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn và có dấu hiệu không chấp hành hiệu lệnh) có rất nhiều cách để giải quyết, không nên đứng trước mũi xe của người vi phạm giao thông, không nhất thiết là phải trèo lên nắp capo và bám vào kính chắn gió để ngăn cản người tham gia giao thông.
Clip cho thấy cảnh sát giao thông còn lại đứng ở phía trước mũi xe của người đang có nồng độ cồn cũng là hành vi có thể gây ra nguy hiểm cho bản thân... Đối với vấn đề này cơ quan chức năng cũng cần xem xét làm rõ để quán triệt, rút kinh nghiệm, tránh những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra đối với người thi hành công vụ.
Hành vi của người tham gia giao thông khi lao xe vào người thi hành công vụ với tốc độ cao có khả năng dẫn đến chết người, tình huống này sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự kể cả trường hợp nạn nhân không chết.
Trường hợp người thi hành công vụ chủ động di chuyển về phía mũi xe của người tham gia giao thông để cản trở, ngăn cản việc người này bỏ trốn thì đây là hành vi không khuyến khích, rất nguy hiểm cho người thi hành công vụ, có thể gây kích động hoặc giật mình hoảng sợ cho người tham gia giao thông dẫn đến tai nạn.
Bởi vậy, việc xử lý những tình huống người vi phạm giao thông có nồng độ cồn đòi hỏi người thi hành công vụ phải có kỹ năng tốt, rất bình tĩnh, tỉnh táo để hoàn thành nhiệm vụ và kiểm tra, kiểm soát giao thông có hiệu quả.
Thứ hai, về phía tài xế lái chiếc xe ô tô màu đen này thì có rất nhiều lỗi vi phạm hành chính và có hành vi chống người thi hành công vụ đến mức phải xử lý hình sự.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, người lái xe này đã vi phạm nồng độ cồn và đi xe vào đường ngược chiều. Đây là những lỗi rất nghiêm trọng trong giao thông đường bộ. Người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất theo nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt và đường bộ. Và có thể tước giấy phép lái xe với thời hạn 24 tháng, tạm giữ phương tiện để chờ xử lý.
Điều đáng chú ý trong vụ việc này, khi thấy cảnh sát giao thông đang đu bám ở phía trước kính chắn gió, người này đã không dừng xe, tiếp tục cho xe tăng ga bỏ chạy đến khi gây tai nạn giao thông và khiến cảnh sát giao thông bị rơi xuống đường. Với hành vi này, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khởi tố hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 Bộ luật Hình sự. Với tội danh này, lái xe sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Trong trường hợp hậu quả của vụ tai nạn giao thông đến mức nghiêm trọng, người này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt nghiêm khắc.
Theo quy định của pháp luật, mỗi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý một lần. Bởi vậy, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ, lái xe sẽ bị xử phạt hành chính với nhiều lỗi khác nhau, trong đó có lỗi vi phạm về nồng độ cồn, đi vào đường ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh và gây tai nạn giao thông, nếu hậu quả gây tai nạn giao thông nạn nghiêm trọng thì riêng nỗi gây tai nạn giao thông có thể xử lý hình sự thêm một tội danh khác.
Vụ việc này là bài học cho những người tham gia giao thông khi coi thường pháp luật, vi phạm quy định về sử dụng rượu bia, vi phạm nồng độ cồn. Pháp luật quy định người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật do sử dụng rượu, bia, chất kích thích hoặc các chất cấm khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như hành vi đến mức nguy hiểm cho xã hội, việc sử dụng chất kích thích không phải là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Bởi vậy nhiều người chỉ vì uống rượu bia, không làm chủ bản thân dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

>>> Mời độc giả xem thêm video Đi khai Xuân, nhiều ma men bị CSGT "lì xì" biên bản phạt cồn


Theo Đời sống
back to top