Vụ “hô biến” đất lúa ở Hà Tĩnh: Cần truy trách nhiệm đơn vị liên quan

Vụ việc xảy ra đã hơn 3 tháng, tuy nhiên đến nay chính quyền huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vẫn đang “án binh bất động” về phương án xử lý vụ việc gia đình ông Lê Thanh Tùng (thôn Đồng Vịnh, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) “hô biến” hơn 33.000m2 đất nông nghiệp để xây dựng dự án trái phép.

Theo đó, việc để hộ gia đình ông Lê Thanh Tùng xây dựng dự án trái phép trên đất nông nghiệp, chính quyền địa phương thiếu kiểm tra, chậm ngăn chặn, xử lý từ sớm, khiến cho dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý của những cá nhân, tập thể liên quan.

Đáng nói hơn, UBND huyện Đức Thọ khẳng định việc gia đình ông Lê Thanh Tùng xây dựng dự án trên đất nông nghiệp là sai phạm, nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn đang “đùn đẩy trách nhiệm” cho nhau và chưa có phương án xử lý dứt điểm vụ việc?.

Dự án "trái phép" trên đất trồng lúa của ông Lê Thanh Tùng nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Quốc

Dự án "trái phép" trên đất trồng lúa của ông Lê Thanh Tùng nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Quốc

Trao đổi với PV, ông Trần Hoài Đức - Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ, cho biết: “Tôi đã giao cho Phòng Tài nguyên & Môi trường xuống kiểm tra, làm việc với xã. Hiện, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo UBND xã vào cuộc xử lý…”.

Thế nhưng khi trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, ông Trần Đức Thắng - Chủ tịch UBND xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, cho rằng: “Sau khi nhận được văn bản từ UBND huyện Đức thọ, chúng tôi đã cho đình chỉ xây dựng. Nhưng phương án xử lý, xử phạt thì vượt quá thẩm quyền của UBND xã…”.

Còn ông Thái Sơn Vinh - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ, chia sẻ: “Mới ra Tết nên chúng tôi xử lý được…”.

Hệ thống tường rào 4 phía kiên cố bao quanh hơn 33.000m2 diện tích đất nông nghiệp. Ảnh: Trần Quốc

Hệ thống tường rào 4 phía kiên cố bao quanh hơn 33.000m2 diện tích đất nông nghiệp. Ảnh: Trần Quốc

Mặc dù đã hơn 3 tháng trôi qua, UBND huyện Đức Thọ và chính quyền xã Tân Dân đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, chưa đưa ra biện pháp xử lý nào dù sai phạm đã rõ ràng. Dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu chính quyền có đang bao che, bảo vệ cho ông lê Thanh Tùng thực dự án trái phép trên đất nông nghiệp?

Hiện, người dân đang rất mong muốn UBND huyện Đức Thọ vào cuộc một cách quyết liệt, nghiêm túc để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã “làm ngơ” cho gia đình ông Tùng xây dựng trái phép trên đất trồng lúa. Sai phạm tới đâu phải xử lý tới đó, không nên tạo tiền lệ xấu về sau.

Phía bên trong được ông Tùng đào ao, trồng cây.... Ảnh: Trần Quốc

Phía bên trong được ông Tùng đào ao, trồng cây.... Ảnh: Trần Quốc

Trước đó, Khoa học & Đời sống phản ánh về việc gia đình ông Lê Thanh Tùng, một người con quê hương xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, hiện đang sinh sống tại tỉnh Bình Dương đã về quê tiến hành gom mua đất trồng lúa của người dân địa phương tại thôn Đồng Vịnh, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ để làm dự án.

Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, tuy nhiên vị “đại gia” này đã tiến hành xây dựng tường rào 4 phía kiên cố bao quanh hơn 33.000m2 diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 28.000m2 đất trồng lúa và 5.100m2 đất công do chính quyền UBND xã Tân Dân quản lý, khiến dư luận bức xúc./.

Xem thêm: Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

- Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối.

- Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm.

- Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp.

- Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

- Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.

- Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.

- Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

Theo Đời sống
back to top