Không đủ giấy tạm trú, giấy xác nhận
Căn phòng cấp 4 chưa đầy 15m2 là nơi sinh sống của vợ chồng anh Phạm Văn Tuấn (phố Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cùng con nhỏ chưa đầy 3 tuổi. Trong góc phòng, hộp đồ nghề chạy shipper của anh Tuấn nằm gọn một chỗ kèm theo lớp bụi phủ dày.
Gần 1 tháng nay phải tạm ngưng công việc do lệnh giãn cách của thành phố, anh Tuấn và vợ không có thêm khoản thu nhập nào khác, những trang trải cho cuộc sống chốn thị thành hàng ngày cũng trở nên khó khăn.
Anh Tuấn kể: “Vợ chồng tôi cũng đã chủ động tìm tới chủ nhà trọ để đăng ký danh sách, làm thủ tục hưởng chính sách của lao động tự do mắc kẹt lại thành phố do dịch. Chủ nhà trọ đã ghi lại số phòng, số chứng minh nhân dân, thông tin cá nhân và nói sẽ nộp lên tổ trưởng tổ dân phố”. Nhưng cho tới nay, anh và gia đình vẫn trong cảnh chờ thông báo và không biết tới khi nào mới được nhận khoản hỗ trợ này.
Là nhân viên bán hàng trên phố Hoàng Đạo Thuý, chị Trần Quỳnh Anh đã phải nghỉ việc từ ngày 24.7, khi TP.Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Gần một tháng ở nhà trọ tại phường Trung Hoà, không có thu nhập chị Anh quyết định ra UBND phường hỏi về thủ tục để được nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Cán bộ phường hướng dẫn chị về nộp đơn kèm hồ sơ cho tổ trưởng tổ dân phố. Sau đó tổ trưởng tổ dân phố sẽ xét duyệt dưới khu dân cư, danh sách người được hưởng sẽ được niêm yết công khai. Tiếp đó, phường sẽ tổng hợp gửi lên quận, khi được quận xét duyệt mới có quyết định được nhận.
Tuy nhiên, do lao động tự do như chị Anh đang là đối tượng tạm trú nên muốn được nhận hỗ trợ tại đây phải xin giấy xác nhận không hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú (ở quê). Cùng với đó, chị Anh phải có thêm giấy đăng ký tạm trú.
“Trong thời điểm toàn thành phố đang thực hiện giãn cách, việc đi lại ở đây còn phải hạn chế tối đa nên việc xin xác nhận ở quê cũng rất khó. Mặt khác, hiện tôi cũng không có giấy tạm trú. Thủ tục như thế thì khó với lao động tự do, đặc biệt là những người ở quê xa”, chị Anh cho biết.
Đó chỉ là 2 trong những vướng mắc mà rất nhiều lao động tự do gặp phải khi làm đơn xin nhận hỗ trợ theo quyết định của UBND TP.Hà Nội hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
“Nếu không được hỗ trợ ngay sẽ khó trụ lại được”
Là người trực tiếp hàng ngày đi rà soát tại khu dân cư, ông Nguyễn Quốc Hùng (Bí thư Chi bộ khu dân cư số 4, phường Phương Liên, quận Đống Đa) cho biết, vừa qua tổ dân phố của ông đã gửi danh sách đề xuất 67 người lao động tự do tại khu dân cư lên phường làm thủ tục hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người theo quy định của Chính phủ.
Theo ông Hùng, con số trên chưa phải tổng số lao động tự do trên địa bàn phường. Trong thời gian tới, tổ dân phố sẽ tiếp tục rà soát và trình danh sách tới UBND phường đối với các đối tượng đủ điều kiện.
Ông Hùng nêu thực tế, trong quá trình rà soát, có nhiều đối tượng là lao động tự do, lao động mất việc làm do dịch COVID-19 nhưng lại khó hoàn thành được các thủ tục. Từ việc định danh nghề nghiệp được hưởng hỗ trợ, các loại giấy tờ khác như giấy đăng ký tạm trú tạm vắng hay đơn xác nhận không nhận hỗ trợ nơi thường trú (ở quê).
“Hoàn thành được những thủ tục này để đáp ứng được hồ sơ xin hỗ trợ cũng là một vướng mắc với người lao động. Mặc dù, đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh” - ông Hùng nói. Do vậy, ông cho rằng, các cơ quan cần có hướng dẫn thật cụ thể nhưng cần phải đơn giản thủ tục hơn nữa để chính sách hỗ trợ đến được tay các đối tượng cần đến. Đồng thời, tại nơi cư trú, nếu cần giấy tờ gì có thể hỗ trợ cho người lao động thì địa phương cần phải hỗ trợ ngay.
Theo bà Nguyễn Thu Giang, Viện phó Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng việc chống trục lợi chính sách là điều cần thiết. Không thể để xảy ra tình trạng một lao động lại nhận hỗ trợ ở cả hai nơi thường trú và tạm trú. Song đây là thời điểm rất khó khăn đối với những lao động tự do này, nên cần được hỗ trợ ngay.
Theo bà Giang, không có tiền tích lũy, nhiều người phải sống nhờ vào nhu yếu phẩm thiện nguyện. Nếu không được hỗ trợ ngay thì không ít người sẽ khó trụ được. Trong khi Hà Nội vẫn đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thì để hoàn thành được thủ tục xin xác nhận với lao động tự do là rất khó.
“Do đó, chúng ta có thể linh hoạt trong công tác triển khai hỗ trợ như khi lao động tự do nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng có thể làm cam kết (kèm giấy tờ tùy thân) chỉ nhận một lần, nếu nhận hai lần sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xã, phường ở Hà Nội chi tiền hỗ trợ, sau đó gửi xác nhận về quê lao động để chính quyền địa phương nắm thông tin, không chi trả thêm lần nữa. Việc này chính quyền có thể chủ động thực hiện được”, bà Giang cho hay.
*Lao động tự do tạm trú ở Hà Nội sẽ không phải về quê xin xác nhận hỗ trợ
Trước vướng mắc này, trong tuần qua, Hà Nội đã ban hành văn bản không yêu cầu người lao động phải về quê để xin xác nhận.
Theo đó, UBND TP.Hà Nội thống nhất giao UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn tiếp nhận hồ sơ để xem xét, giải quyết chính sách hỗ trợ lao động tự do đủ điều kiện nhận hỗ trợ nhưng không thể về nơi thường trú hoặc nơi cư trú để xác nhận.
Đồng thời, tổ chức tiếp nhận hồ sơ của lao động tự do bằng nhiều hình thức linh hoạt, thuận lợi nhất cho người lao động như trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến… nhằm giảm thời gian giải quyết hồ sơ hỗ trợ của người lao động.
*Thủ tục thông thoáng, một số chính sách đang triển khai chậm
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 đã giảm 2/3 thời gian, cắt giảm 2/3 thủ tục so với Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020. Theo đó, thủ tục hỗ trợ đã đơn giản, gọn nhẹ, thời gian rất nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo Bộ LĐTBXH, một số chính sách đang triển khai chậm do nhiều địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc làm thủ tục hồ sơ khá khó khăn, người lao động cũng không đi lại được để hoàn thiện thủ tục. Bên cạnh đó, người lao động và người sử dụng lao động cũng hiểu về các chính sách chưa thật cặn kẽ nên chưa tích cực gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ.