Nâng cao chất lượng nhờ KH&CN
Thôn Mai Pha (TP Lạng Sơn) vốn là xã nông nghiệp nổi tiếng với “rau lười” (rau cải ngồng – rau cải bắp, sau khi hái bắp xong, đốn lá đi lại mọc tiếp các ngọn). Trước đây, người dân trong thôn đã trồng nhiều loại rau, mỗi nhà trồng dăm ba luống chỉ đủ ăn hoặc mang ra chợ bán, nhưng thu nhập không cao.
Nhận ra những yếu điểm đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nà Chuông được thành lập để liên kết các hộ trồng rau trong xã. Ngay từ khi thành lập, HTX đã được Trung tâm Ứng dụng khoa học (thuộc Sở KH&CN tỉnh) và Tổ chức VECO (một tổ chức phi chính phủ) hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho thành viên trồng RAT theo hướng VietGAP. Nhờ đó, giá trị các loại rau, củ của HTX tăng mạnh, gấp từ 3 – 5 lần so trước đây.
HTX Nà Chuông chỉ là một trong những mô hình điển hình của tỉnh Lạng Sơn khi ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tính đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có 8 vùng sản xuất chuyên canh tập trung các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, trong đó có các loại nông sản điển hình vùng chuyên canh như hồi ở các huyện Văn Quan, Bình Gia và Văn Lãng, Na của huyện Chi Lăng, hồng Bảo Lộc…
Các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng đều có đóng góp quan trọng của KH&CN từ các khâu giống cây trồng, quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh, chế biến sau thu hoạch và xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa… giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh từng đánh giá, KH&CN giúp địa phương xác lập các sản phẩm chủ lực, xây dựng quy hoạch, thực hiện các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp...
Đồng thời, ngành KH&CN của tỉnh Lạng Sơn cũng giúp người dân xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để đảm bảo sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có sức cạnh tranh trên thị trường góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Nguyên Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đánh gía cao công tác xác lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông, lâm đặc sản của địa phương, phát huy danh tiếng, uy tín của sản phẩm, bảo hộ cho những người sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng trong bối cảnh mới
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tỉnh Lạng Sơn đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho ngành khoa học và công nghệ, phấn đấu từng bước đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong đó, tập trung cơ cấu lại các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đổi mới, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến theo hướng phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng định hướng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm: Nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ sinh học; bảo tồn nguồn gene; công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho từng vùng… Hỗ trợ nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; nghiên cứu bảo tồn và phát triển các cây trồng bản địa. Hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức quản lý tổ chức, hoạt động KH&CN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư cho KH&CN, ứng dụng các tiến bộ KH&CN để phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Xây dựng tiềm lực KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập. Tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Đánh giá cao sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của ngành KH&CN, bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn đề nghị ngành KH&CN tăng cường hàm lượng KH&CN thể hiện trên các sản phẩm, để KH&CN là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.