Lạng Sơn thu hút đầu tư: Định hướng xuất khẩu nông sản sang thị trường khó tính.

Là tỉnh có khí hậu á nhiệt đới điển hình, Lạng Sơn có tiềm năng thể phát triển đa dạng phong phú các loại cây trồng ôn đới, á nhiệt đới, và nhiệt đới, đặc biệt là các loại cây trồng dài ngày như hồi, na, quýt, hồng, và các cây lấy gỗ…

Tăng cường phát triển vùng trồng

Miền Bắc vào thu cũng là lúc na vào vụ, người dân đất kinh kỳ lại ngước lên miền biên ải xứ Lạng để mong chờ đặc sản Na Chi Lăng – thứ quả na dai với những đặc trưng mà không vùng nào có được: mắt hồng, quả to, tròn căng, bóng mẩy, vị ngọt sắc, ít hạt, hương thơm rất đặc trưng.

Được trồng đại trà trên vùng đất Chi Lăng từ những năm 1980, nhưng phải đến những năm 2000, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc sản Na Chi Lăng mới phát triển mạnh và trở thành thương hiệu nông sản cấp quốc gia như hiện nay.

Những năm gần đây, lãnh đạo huyện đã vận động nhân dân khai thác, tận dụng diện tích đất ở vị trí các chân núi, triền núi vốn khó canh tác cây nông nghiệp truyền thống để cải tạo thành đất trồng na.

Đồng thời, chính quyền tỉnh Lạng Sơn cũng chủ động xây dựng thương hiệu cho quả na Chi Lăng với hàng loạt chứng chỉ như bản quyền sở hữu trí tuệ, chứng nhận đăng ký nhãn nhiệu, giá trị nông sản Việt…

Theo thống kê, hiện nay Chi Lăng đang là vùng trồng na lớn nhất cả nước, hằng năm sản lượng lên tới hơn 30.000 tấn, và 80% sản lượng Na được xuất khẩu, thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc.

Để nâng cao giá trị cây na và hướng tới xuất khẩu vào những thị trường khó tính, tỉnh đang khuyến khích và đẩy mạnh trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP.

Trong 1.600ha trồng na trên toàn tỉnh, hiện đã có hơn 200 ha đã được sản xuất theo quy trình VietGAP, giá trị kinh tế ước đạt trên 600 tỷ đồng, đảm bảo sinh kế cho hơn 3.500 hộ dân trên địa bàn…

Đẩy mạnh phát triển Na Chi Lăng cả về quy mô vùng trồng cũng như gia tăng giá trị sản phẩm là một trong những phương án phát triển kinh tế nông nghiệp mũi nhọn được tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh trong những năm gần đây, bện cạnh những sản phẩm như hồng Bảo Lâm, thạch đen Tràng Định, hồi xứ Lạng…

Thực tế, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được chú trọng, hướng vào phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn tiên tiến, tập trung đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xây dựng nhãn mác, thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm;…

“Mắt xích” kết nối giao thương

Song song với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Trong đó, tỉnh xây dựng Đề án đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống dịch vụ nông nghiệp; Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030...

Nhờ đó, đến hết tháng 4/2020, toàn tỉnh có 1.400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, chiếm 46,5% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở tất cả các địa bàn của tỉnh và đã xây dựng nhiều dự án điển hình như: Xưởng chế biến và sản xuất các sản phẩm từ hoa hồi tại huyện Hữu Lũng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Hồi Lạng Sơn; dự án Đầu tư nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao Lạng Sơn của Công ty Cổ phần Đầu phát triển Sao Bắc Việt…

hay dự án Chăn nuôi lợn thịt chất lượng cao Mu Hoom của HTX Mu Hoom, dự án Trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị giống siêu nạc và trồng cây ăn quả, cây lâu năm của HTX chăn nuôi Lùng Khoang...

Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang là mắt xích quan trọng, dẫn dắt ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn phát triển.

Do đó, trong thời gian tới, cùng với quy hoạch lại vùng sản xuất, Lạng Sơn cũng đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trong đó, chủ trương của tỉnh là ưu tiên các dự án ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, liên kết chuỗi giá trị… nhằm hướng tới xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ra những thị trường khó tính nhưng có giá trị cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, các nước trong khối ASEAN.

Theo Đời sống
back to top