Lắng nghe những "tín hiệu cầu cứu" của cơ thể để bổ sung nước kịp thời

Giữ đủ nước là một bước thiết yếu để duy trì sức khỏe tốt – xét cho cùng, cơ thể chúng ta chiếm khoảng 55-75% nước, tuy nhiên, nhiều người không nhận ra khi nào cơ thể bị mất nước.

Theo BSCK II Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết, trong thời tiết nắng nóng oi bức, cơ thể sẽ bị mất nước do ra nhiều mồ hôi. Mất nước sẽ làm giảm thể tích máu, giảm máu qua thận, giảm bài tiết nước tiểu, gây rối loạn chuyển hóa trong tế bào, làm tăng urê, tăng các sản phẩm tan trong máu.

Lắng nghe những "tín hiệu cầu cứu" của cơ thể để bổ sung nước kịp thời. Ảnh minh họa

Lắng nghe những "tín hiệu cầu cứu" của cơ thể để bổ sung nước kịp thời. Ảnh minh họa

Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cơ thể cần thêm nước bạn cần đặc biệt chú ý:

Mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu

Khi cơ thể mất nước, thể tích máu giảm xuống, khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, dẫn đến mệt mỏi và suy nhược. Ngoài ra, máu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả não. Khi thể tích máu giảm do mất nước, lượng oxy cung cấp cho não cũng giảm theo, gây ra chóng mặt, đau đầu và khó tập trung.

Chuột rút, đau cơ

Khi cơ thể thiếu nước, nồng độ các chất điện giải như natri, kali, canxi và magie bị thay đổi, gây ra sự co thắt bất thường của cơ bắp, dẫn đến chuột rút và đau nhức. Máu khó lưu thông do thiếu nước cũng có có thể gây thiếu oxy và chất dinh dưỡng cho cơ bắp, làm tăng nguy cơ chuột rút và đau nhức.

Miệng khô

Bất cứ khi nào có cảm giác dính dính, nháp nháp, khó chịu trong miệng, chúng ta thường tìm đến đồ uống nào đó. Nhưng đồ uống có đường chỉ là giải pháp tạm thời nên thay vì chọn các loại đồ uống có đường, hãy uống nước lọc để bôi trơn màng nhầy trong miệng và cổ họng.

Da khô

Da khô là một trong những dấu hiệu cơ thể mất nước rõ ràng và sớm nhất. Thiếu nước đồng nghĩa với việc thiếu mồ hôi, dẫn đến cơ thể không có khả năng rửa trôi bụi bẩn và dầu tích tụ suốt cả ngày. Nếu muốn ngăn chặn mụn trên da mặt, đầu tiên, bạn nên uống nhiều nước hơn.

Mắt khô

Rõ ràng là uống nước không chỉ ảnh hưởng đến miệng và cổ họng của bạn. Việc thiếu nước dẫn đến mắt khô, đỏ ngầu. Uống nước ít quá gây hại rất nhiều cho mắt, đặc biệt là nếu bạn đeo kính áp tròng hằng ngày.

Táo bón

Ruột già có nhiệm vụ hấp thụ nước từ thức ăn đã tiêu hóa để tạo thành phần. Khi cơ thể thiếu nước, ruột già sẽ hấp thụ nhiều nước hơn từ phân để bù đắp lượng nước đã mất, khiến phân trở nên khô cứng và khó đẩy ra ngoài.

Bên cạnh đó, mất nước cũng gây mất cân bằng điện giải, đặc biệt là kali và magie. Sự mất cân bằng này có thể ảnh hưởng đến chức năng của cơ ruột, làm giảm nhu động ruột và gây táo bón.

Nước tiểu sẫm màu và ít

Khi cơ thể thiếu nước, thận sẽ cố gắng giữ lại nước để duy trì các chức năng quan trọng. Điều này dẫn đến việc nước tiểu trở nên cô đặc hơn, đồng nghĩa với việc nồng độ các chất thải như urochrome (chất tạo màu vàng cho nước tiểu) tăng lên, khiến nước tiểu có màu vàng đậm hoặc thậm chí là màu hổ phách.

Khi cơ thể rơi vào tình trạng mất nước đồng thời cũng có thể làm thay đổi độ pH của nước tiểu, khiến nó trở nên axit hơn. Điều này cũng góp phần làm nước tiểu có màu sẫm hơn.

Nhanh đói

Khi mất nước, cơ thể bạn có thể nghĩ rằng nó cần thức ăn. Ăn thức ăn tạo ra nhiều công việc hơn cho cơ thể của bạn, trong khi uống nước giúp thanh lọc các cơ quan của bạn và cung cấp nhiên liệu cần thiết cho các quá trình khác mà cơ thể trải qua.

Theo Đời sống
back to top