Những em bé được hồi sinh kỳ diệu nhờ ghép gan-kỹ thuật y học hiện đại

Ghép gan trẻ em là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, đòi hỏi khắt khe về chuyên môn...

Có nhiều ca bệnh lý phức tạp như: ghép gan bất đồng nhóm máu, bệnh lý di truyền, đặc biệt là ghép gan cho bệnh nhi có cân nặng thấp,… đã được thực hiện thành công.

Có mặt tại khoa Gan mật – Bệnh viện Nhi Trung ương cuối tháng /9/2024 để kiểm tra sức khỏe định kỳ sau ghép gan, nếu chỉ nhìn qua không ai nghĩ rằng cách đây hơn 4 năm, bé H.A (6 tuổi, ở Hà Nội) đã trải qua một cuộc đại phẫu ghép gan để có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc bên gia đình như bây giờ.

Lúc mới sinh bé H.A cũng khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, tuy nhiên, khi bé được hơn 1 tháng tuổi, gia đình sững sờ khi biết con bị bệnh teo mật bẩm sinh. Quá trình xơ gan mật tiến triển sau đó khiến bé nhiều lần xuất huyết tiêu hóa, nguy kịch tính mạng.

Trước tình hình đó, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã hội chẩn và chỉ định cho H.A ghép gan, đây là cách duy nhất để cứu sống trẻ. Rất may mắn, sau khi tiến hành làm các xét nghiệm, mẹ của bé H.A có các chỉ số phù hợp để hiến gan cho con.

Bác sĩ khám bệnh cho H.A tại khoa Gan mật - Ảnh BVCC

Bác sĩ khám bệnh cho H.A tại khoa Gan mật - Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật song song lấy gan của mẹ ghép cho H.A được các y bác sĩ tiến hành vào tháng 2/2020 đầy khó khăn đã thành công tốt đẹp, bé H.A được cứu sống.

Lần tái khám này, hai mẹ con vui vẻ kể về cuộc sống của bé sau phẫu thuật. Hơn 4 năm sau ghép gan, bé H.A sống khỏe mạnh, mọi chức năng gan hoạt động bình thường, bé đến trường đi học và vui chơi như các bạn nhỏ bình thường khác.

“Thời điểm con em ghép gan, ranh giới sự sống mong manh lắm, vì lúc đó sức khỏe của con kém lắm rồi, nếu không có các y bác sĩ cứu chữa thì không thể có con như ngày hôm nay. Các y bác sĩ như người nhà, lúc nào cũng quan tâm, động viên và hỏi han sức khỏe con em. Thay mặt gia đình, em cảm ơn các y bác sĩ rất nhiều vì đã giúp con hồi sinh” – mẹ bé H.A xúc động chia sẻ.

Cũng có mặt tại khoa Gan mật cùng con tái khám, mẹ bé Đ. (17 tuổi) vẫn còn nhớ như in cách đây 14 năm khi con vẫy tay gọi “mẹ ơi” qua cửa kính phòng hồi sức sau khi được các bác sĩ ghép gan thành công, chị chia sẻ: Là người hiến gan cho con, sau 14 năm tôi cảm thấy sức khỏe của mình không bị ảnh hưởng. Gia đình tôi cảm ơn bác sĩ rất nhiều đã giúp con được sinh ra lần hai”.

Theo PGS.TS Phạm Duy Hiền (Phó Giám đốc Bệnh Viện Nhi Trung ương), trẻ mắc bệnh gan giai đoạn cuối do nhiều nguyên nhân khác nhau. Với người mắc bệnh lý gan giai đoạn này, các biện pháp điều trị mang lại hiệu quả rất thấp, hầu hết đều có nguy cơ dẫn đến tử vong cao. Việc ghép gan là biện pháp duy nhất để cứu sống trẻ.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, việc ghép gan trẻ em được triển khai từ năm 2005, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm là người định hướng và đặt nền móng với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.

Đầu năm 2021, các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận kỹ thuật ghép gan từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau quá trình tiếp cận, phối hợp tham gia từng phần của quy trình kỹ thuật với các chuyên gia trong và ngoài nước, tháng 3/2022, Bệnh viện đã làm chủ toàn bộ quy trình kỹ thuật ghép gan cho trẻ em.

PGS.TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật thăm khám cho bé Đ. - Ảnh BVCC

PGS.TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật thăm khám cho bé Đ. - Ảnh BVCC

Từ ca ghép gan đầu tiên được thực hiện vào năm 2005, Bệnh viện đã thực hiện ghép gan thành công cho 66 ca, trong đó có 48 ca ghép Bệnh viện tự chủ hoàn toàn về kỹ thuật, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện là đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất tại Việt Nam.

Trong số các ca ghép tại Bệnh viện, phần lớn là trẻ nhỏ, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật ghép gan tại Bệnh viện là một bé 9 tháng tuổi, cùng với bệnh nhi có cân nặng thấp nhất (5,6kg) tới nay vẫn giữ kỷ lục là em bé được ghép gan có tuổi đời nhỏ nhất và cân nặng thấp nhất tại Việt Nam.

Do đặc điểm giải phẫu của các bệnh nhi còn chưa trưởng thành và hoàn thiện, cấu trúc mạch máu của trẻ rất nhỏ và dễ sang chấn. Do đó kỹ thuật ghép gan cho trẻ không chỉ đòi hỏi trình độ và tay nghề của các phẫu thuật viên mà còn cần sự kiên trì và quyết tâm. Trước mỗi cuộc ghép là những khâu chuẩn bị rất công phu với hàng loạt các xét nghiệm tầm soát.

Các nhóm chuyên môn phải cùng nhau tiến hành hội chẩn và bàn bạc cụ thể giữa các chuyên khoa Ngoại, Gan mật, Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh, Gây mê, Hồi sức, … nhằm tính toán thật kỹ các đặc điểm giải phẫu, cân nhắc về trọng lượng của mảnh ghép,… để tối ưu hóa kết quả ca phẫu thuật.

PGS.TS Phạm Duy Hiền cho hay, tới thời điểm này hầu hết các ca ghép gan tại Bệnh viện đều có kết quả tốt, sau ghép gan tỷ lệ sống sau 5 năm của trẻ là hơn 90%. Sức khỏe của trẻ sau ghép diễn biến tốt, chức năng khối ghép dần ổn định, có trường hợp trẻ sau ghép gan không cần phải dùng thuốc thải ghép. Nhờ đó, ngày càng nhiều bệnh nhi được hồi sinh nhờ sự quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cùng sự yêu thương của gia đình, người thân đã hiến một phần gan để cứu sống con mình.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan, cứu sống nhiều bệnh nhi nguy kịch - Ảnh BVCC

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan, cứu sống nhiều bệnh nhi nguy kịch - Ảnh BVCC

PGS.TS Trần Minh Điển (Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết thêm, nhóm bệnh lý gan mật là một trong những nhóm bệnh mà chúng tôi đang rất khó khăn và trăn trở để có thể xử lý tốt nhất cho trẻ em. Ghép gan là phương pháp duy nhất để đem lại sự sống cũng như kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện ghép gan cho trẻ em hiện nay còn nhiều thách thức. Trước hết, đó là tình trạng thiếu tạng ghép và chi phí cho ca ghép gan còn cao. Đồng thời, sau ghép gan người bệnh còn phải dùng thuốc chống thải ghép khá tốn kém, nhiều gia đình không đủ khả năng tài chính để chi trả.

“Chúng tôi rất mong muốn có được sự đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cơ quan, tổ chức để có ngày càng nhiều trẻ em được ghép gan, hồi sinh sự sống”, PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Theo Đời sống
Hôn trẻ liệu có nguy hiểm?

Hôn trẻ liệu có nguy hiểm?

Hôn là hành động thể hiện tình cảm giúp gắn kết giữa người này với người khác. Tuy nhiên, nụ hôn đôi khi lại là tác nhân gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe con trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Số ca mắc sởi năm 2024 tăng 130 lần

Số ca mắc sởi năm 2024 tăng 130 lần

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm cho biết, số ca sốt phát ban nghi sởi là 38.364 (tăng hơn 94 lần so với năm 2023); số ca dương tính với sởi là 6.725 ca (tăng hơn 130 lần so với năm 2023).
Vì sao bạn hay đau họng sau khi ngủ dậy?

Vì sao bạn hay đau họng sau khi ngủ dậy?

Đau họng, rát họng, khó nuốt vào buổi sáng là chứng bệnh phổ biến đặc biệt hay gặp vào mùa mưa hoặc khi thay đổi thời tiết. Nhiều nguyên nhân gây đau họng vào buổi sáng sẽ khiến bạn không thể ngờ tới.
Nhiều trẻ nhiễm xoắn khuẩn Leptospira do chuột cắn

Nhiều trẻ nhiễm xoắn khuẩn từ chuột

Trong 1 tháng, khoa Nhi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận hai bệnh nhi nhiễm khuẩn nặng do Leptospira cho thấy sự nguy hiểm và những dấu hiệu cần cảnh giác với bệnh nhiễm Leptospira ở trẻ em.
back to top