Những biến chứng nếu sử dụng lăn kim sai cách
Dụng cụ lăn kim có đầu kim lăn gồm nhiều vi kim thường có đường kính 0,1 - 0,25mm và dài 0,25 - 2,5mm. Thủ thuật này được thực hiện với gây tê tại chỗ, sau đó thiết bị được áp lên da từ 15 - 20 lần trên vùng điều trị. Thông thường, lăn kim được thực hiện 3 - 6 lần, mỗi đợt cách nhau 8 - 10 tuần.
Lăn kim được ứng dụng phổ biến trong điều trị trẻ hóa da, sẹo mụn trứng cá, mụn trứng cá, sẹo bỏng/sau chấn thương, vết rạn da, rụng tóc... |
Kỹ thuật lăn kim với nhiều thiết bị ra đời có kích thước, chiều dài kim đa dạng giúp cải tiến và áp dụng phương pháp này phù hợp cho từng rối loạn da.
Ngày nay, lăn kim được ứng dụng phổ biến trong điều trị trẻ hóa da, sẹo mụn trứng cá, mụn trứng cá, sẹo bỏng/sau chấn thương, vết rạn da, rụng tóc...
Lăn kim là thủ thuật ít biến chứng, có thể gây đỏ da sau điều trị, nhưng chỉ kéo dài 2 - 3 ngày. Sau điều trị, da có thể cảm thấy châm chích, ngứa, những triệu chứng này giảm trong 12 - 48 giờ.
Đây là kỹ thuật hầu như an toàn với mọi loại da và kể cả những vùng không thích cho điều trị lột hóa chất hay laser tái tạo bề mặt như gần mắt.
Tuy nhiên, nếu lăn kim được sử dụng không đúng cách sẽ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm: nhiễm trùng nếu không kỹ thuật trong thực hiện không vô trùng hay sát khuẩn không đúng cách.
Ngoài ra trong trường hợp thực hiện lăn kim phối hợp sử dụng các hoạt chất không rõ nguồn gốc hay có thành phần dễ gây kích ứng, dị ứng da dễ dẫn đến viêm da tiếp xúc dị ứng.
Lăn kim phối hợp với các hoạt chất không rõ nguồn gốc hay có thành phần dễ gây kích ứng, dị ứng da dễ dẫn đến viêm da tiếp xúc dị ứng. |
Thậm chí nếu điều chỉnh độ sâu lăn kim cho vùng điều trị không thích hợp hoặc lạm dụng thực hiện thủ thuật này quá nhiều trong một thời gian ngắn có thể để lại sẹo, rối loạn sắc tố.
Ai không nên lăn kim?
Lăn kim không nên thực hiện khi có bất kỳ một trong những rối loạn sau: viêm da cơ địa, trứng cá đỏ, vảy nến, dày sừng ánh sáng, mụn lồi có cuống, mụn cóc, mụn trứng cá ở giai đoạn hoạt động, sẹo lồi, vết thương hở.
Ngoài ra, phương pháp này cũng chống chỉ định đối với trường hợp mà vùng cần điều trị đang có tình trạng nhiễm trùng như nhiễm HSV (Herpes simplex virus), nhiễm nấm. Lăn kim có thể làm lan rộng và nặng thêm những tình trạng này.
Bên cạnh đó, người có bệnh lý đái tháo đường, rối loạn đông máu hay đang dùng thuốc kháng đông, bệnh lý mạch máu collagen, xơ cứng bì cũng nên được xem xét cẩn thận trước khi thực hiện thủ thuật này.
Mục đích của phương pháp này là tạo những vi tổn thương trong da nhằm kích thích tái tạo da cũng như làm tăng sản xuất collagen và tân sinh mạch máu.
Những vi kim lăn tạo các vết thương “giả”, kích thích cơ thể hoạt hóa cơ chế sửa chữa, lành thương, gồm 3 giai đoạn (giai đoạn viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tái tạo).
Qua đó, kỹ thuật này giúp tái tạo lớp biểu mô, tăng biểu hiện các yếu tố tăng trưởng, kích thích sản xuất collagen và tân sinh mạch máu, góp phần cải thiện những tình trạng lão hóa da, sẹo lõm trứng cá.
Ngoài ra, lăn kim còn giúp phá vỡ một phần các bó sợi xơ trong sẹo mụn trứng cá, sẹo bỏng/sau chấn thương. Đồng thời, lăn kim còn tạo những kênh nhỏ vào trong lớp bì, giúp thấm nhập thuốc qua da tốt hơn.
Do đó, khi thực hiện lăn kim có thể phối hợp với các hoạt chất điều trị giúp tăng hiệu quả trong cải thiện các vấn đề da.
TS.BS Lê Thái Vân Thanh (Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM)