Làm đẹp bằng gạo phải đúng cách

(khoahocdoisong.vn) - Dùng bột gạo để đắp da mặt, làm mặt nạ đắp mặt; lấy nước vo gạo để rửa mặt… là cách mà chị em sử dụng gạo để làm đẹp. Tuy nhiên, theo chuyên gia việc làm này cần hiểu đúng, làm đúng chứ không đơn giản như cách làm của nhiều người.

Bột gạo hiệu quả không cao

Chỉ cần đánh từ khóa làm đẹp bằng bột gạo trên máy tính kết nối mạng, bạn sẽ có được rất nhiều công thức hướng dẫn. Theo đó, thay vì dùng các loại sữa rửa mặt thông thường, bạn có thể dùng bột gạo. Rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy một ít bột gạo trộn cùng nước sạch để được hỗn hợp sánh mịn, sau đó thoa lên khắp mặt, kết hợp massage nhẹ nhàng và rửa lại bằng nước sạch.

Cùng với rửa mặt, bạn cũng có thể làm mặt nạ bột gạo. Hãy trộn bột gạo và sữa tươi không đường để được hỗn hợp sánh mịn. Rửa sạch da bằng nước ấm xong, bạn thoa một lớp mỏng mặt nạ dưỡng trắng da này lên…

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam  bột gạo (gạo xay, nghiền, giã nhỏ) thường chỉ có tinh bột là chủ yếu, vitamin B có tác dụng để làm đẹp có rất ít, vì thế hiệu quả là đẹp của bột gạo không nhiều.

Theo vị chuyên gia này, từ xưa xưa, khi chưa có các công nghệ làm đẹp hiện đại như bây giờ, cha ông ta đã biết cách biến những thứ có sẵn trong cuộc sống để làm đẹp, ví dụ, dùng gạo. Sản phẩm từ gạo để rửa mặt có thể kể đến như cám gạo. Trong cám gạo có chứa nhiều vitamin, nhất là nhóm vitamin B có tác dụng tốt với làn da.

Cám gạo cũng là thứ rất dễ kiếm. Sản phẩm sau xay, xát sẽ có gạo nguyên hạt, gạo tấm và cám gạo nên rất sẵn có. Tuy nhiên, cám gạo dùng để rửa mặt phải đảm bảo là cám gạo nguyên chất. Quá trình xay xát thông thường rất dễ khiến cám gạo bị lẫn trấu (do trấu lẫn trong cám cũng bị nghiền nhỏ nên khó phát hiện). Trấu lẫn trong cám có thể khiến cho da bị ngứa hoặc xước do vỏ trấu cứng. Vì thế, cám gạo phải không lẫn trấu và thật mịn.

PGS.TS Nguyễn Văn Hoan: Cũng cần lưu ý thêm, ngày xưa, nước vo gạo là từ gạo giã cối nên bề mặt của hạt gạo còn giữ lại được nhiều chất dinh dưỡng nhờ đó mà nước gạo giàu dinh dưỡng. Ngày nay, gạo là gạo xát đã không còn nhiều chất dinh dưỡng bám trên bề mặt nữa, đồng nghĩa với dinh dưỡng trong nước vo gạo cũng không còn nhiều. 

Nước vo gạo dùng không dễ

Một cách dùng sản phẩm của gạo là nước vo gạo để làm đẹp như dùng để rửa mặt, gội đầu, thậm chí là tắm. Nhiều người tin rằng, gội đầu bằng nước vo gạo, tóc sẽ mượt còn tắm, rửa mặt bằng nước vo gạo sẽ giúp làn da trắng sáng.

Chuyên gia Nguyễn Minh Hương, Thẩm mỹ viện Trúc Lâm, công dụng làm đẹp của nước vo gạo là có thật. Từ khi chưa có mỹ phẩm, ông cha ta vẫn tận dụng loại “nước thải” đặc biệt này để làm đẹp. Nguyên do là trong nước vo gạo ngoài các thành phần dinh dưỡng còn có tinh bột. Khi lên men (để chua), tinh bột sẽ tạo thành axit, các axit này có tác dụng trong việc làm sạch da.

Tuy nhiên, việc làm đẹp bằng nước vo gạo không đơn giản là lấy nước vo gạo xoa lên mặt, gội lên tóc hoặc pha loãng để tắm như mọi người vẫn làm. Bạn cần nhớ rằng, nước gạo phải lên men mới tạo ra axit. Quy trình để nước gạo lên men không khó, nhưng đòi hỏi mất thời gian và tỉ mẩn.

Theo đó, bạn cho nước gạo vào dụng cụ đựng sau đó đậy nắp lại để chờ lên men. Tùy thời tiết, quá trình lên men sẽ diễn ra dài hay ngắn, ví dụ ngày hè, chỉ cần 1 ngày đêm là được. Nhìn chung bạn ngửi thấy nước vo gạo có mùi chua chua (đã lên men) là được, tất nhiên bạn đừng tham để quá chua. Lúc này bạn có thể dùng để rửa mặt, gội đầu sau đó rửa, gội lại bằng nước sạch. Riêng với gội đầu, để làm đẹp tóc, người xưa không chỉ dùng mỗi nước vo gạo lên men mà còn kết hợp với cỏ mần trầu và bồ kết để tăng hiệu quả làm đẹp tóc. 

Theo Đời sống
back to top