“Kỳ nhân” xứ Nghệ Ngô Xuân Bính

Với những công trình đồ sộ về y học và võ thuật, Ngô Xuân Bính được mệnh danh là “kỳ nhân" vì người ta không biết gọi chức danh của ông là gì cho đủ: giáo sư, viện sỹ, thầy thuốc, võ sư, họa sĩ, nhà thơ…

Họ gọi ông là “Thầy”. Thầy Bính văn võ song toàn, cầm kỳ thi họa đủ cả nhưng đứng trước mọi người lại luôn khiêm nhường, giản dị và kiệm lời. Cuộc đời ông đầy chất tiểu thuyết với những câu chuyện chân thực, mà ly kỳ hơn cả phim ảnh.

GS Ngô Xuân Bính chia sẻ về tình yêu mỹ thuật.

GS Ngô Xuân Bính chia sẻ về tình yêu mỹ thuật.

Cháu của Danh tướng Ngô Phan…

Ngày còn nhỏ cậu bé Ngô Xuân Bính đã lọt vào “mắt xanh” của các bô lão trong họ. Ông là cháu trực hệ của danh tướng Ngô Phan - người chém đầu Liễu Thăng của quân Minh ở ải Chi Lăng. Dòng họ ông có nhiều võ sư ẩn danh luyện võ dân tộc dưới dạng gia phái ở các làng xã vùng sông Lam, sông Mã.

Từ nhỏ, ngày đi học, đêm Ngô Xuân Bính được các cụ luyện võ. Đến năm lớp 9, cậu bé Ngô Xuân Bính đã điêu luyện đến mức quật ngã, khóa tay đối thủ dễ như lật bàn tay, nhiều bạn bè hâm mộ xin theo học võ. Tốt nghiệp cấp 3, rồi ra Thủ đô học Đại học Mỹ thuật Hà Nội, chàng trai trẻ được thu nạp vào Hội võ thuật Hà Nội.

Năm 1980 chàng trai trẻ được mời tham gia “Công trình nghiên cứu lịch sử Võ thuật Việt Nam” của Tổng cục Thể dục thể thao. Bác Tạ Quang Chiến (tên thật là Nguyễn Hữu Văn) - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể thao lúc đó (người 12 năm làm cận vệ Bác Hồ) vô cùng ngạc nhiên khi Ngô Xuân Bính vác đến hai bó bản thảo viết, vẽ về võ dân tộc. GS Trần Quốc Vượng - ở trong hội đồng chuyên môn thốt lên: “Làm lịch sử võ học Việt Nam tôi không dám làm vì không có tư liệu, vậy mà thằng Bính dám làm”. Để thuyết phục Hội đồng chuyên môn giao một công trình khoa học lớn cho người mới 22 tuổi, Ngô Xuân Bính khi ấy phải cởi trần múa võ trước các giáo sư.

Năm 24 tuổi, chàng trai Ngô Xuân Bính thống nhất các gia phái, hệ phái võ “Hét” vùng Thanh- Nghệ thành môn phái võ “Nhất Nam” (với ý nghĩa quy tụ các đoàn võ cổ Bắc Trung bộ thành một đứa con của làng võ Việt). Trải qua bao thăng trầm lịch sử nghìn năm Bắc thuộc, giờ đây các môn võ dân tộc Việt xa xưa ẩn khuất sau lũy tre làng và dòng chảy dân gian đã chính danh, khởi đầu cho một giai đoạn lan tỏa mạnh mẽ.

Hai tập sách đồ sộ “Nhất Nam căn bản” của Ngô Xuân Bính nhiều năm sau đó được lưu truyền như “bí kíp võ công” đầy bí ẩn trong các truyện kiếm hiệp Trung Quốc. Những ngày đầu “khai môn, lập phái” võ sư trẻ lọc cọc chiếc đạp xe tất tả đến các lò võ Nhất Nam khắp Hà Nội từ 3 giờ sáng tới đêm khuya...

Đúng lúc phong trào tập Nhất Nam được gây dựng mạnh mẽ và vang tiếng ở Hà Nội, Ngô Xuân Bính được Liên đoàn các môn võ phương Đông và Việt Nam ở Belarus mời sang Liên Xô (cũ) làm việc. Cuộc đời Ngô Xuân Bính sang một chương mới gắn liền với xứ Bạch Dương.

Các môn sinh của phái võ Nhất Nam trong và ngoài nước biểu diễn tại Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.

Các môn sinh của phái võ Nhất Nam trong và ngoài nước biểu diễn tại Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.

Quảng bá văn hóa Việt ra Châu Âu

20 năm ở xứ sở Bạch Dương, Ngô Xuân Bính đã đưa võ học dân tộc Việt Nam “phủ sóng” tới nhiều quốc gia trên thế giới. Nhất Nam có 4 liên đoàn võ cấp quốc gia ở Nga, Belarus, Lithuania (Litva), Ukraine và một mạng lưới những câu lạc bộ ở nhiều tỉnh thành châu Âu. Rất đông thanh niên châu Âu đến bái Ngô Xuân Bính làm sư phụ và khoác lên mình bộ võ phục Nhất Nam...

Khi Nhất Nam nổi như cồn ở châu Âu, cũng là lúc Ngô Xuân Bính được biết đến trên cương vị một thầy thuốc. Ban đầu ông dùng y học Việt Nam chữa bệnh cho các võ sinh, rồi nhiều người dân Nga. Sau này, ông được mời chữa bệnh cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Tổng Bí thư Lào Kaysone Phomvihane và nhiều chính khách khác. Tuy nhiên, vì nguyên tắc bảo mật ký kết hợp đồng nên ông không nhắc đến tên họ.

Nhân dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Đuma Quốc gia Nga đã viết một bức thư dài bày tỏ sự cảm ơn của nước Nga đối với Võ sư, Viện sĩ Ngô Xuân Bính. Ông đã góp phần giữ cho tình hình nước Nga ổn định khi duy trì sức khỏe cho Tổng thống Yeltsin 10 năm, đặc biệt trong bối cảnh lịch sử khi đó hết sức cam go.

Ấn tượng với y thuật của Ngô Xuân Bính, nhiều người đã đề nghị ông viết thành công trình khoa học để truyền bá phương thức chữa bệnh. Các công trình y học của ông được đánh giá có ứng dụng thực tế rất lớn. Công trình “Cao huyết áp - Các chứng liên đới - Chuyên khoa châm cứu” chỉ tập 1 đã dày 1.500 trang, dựa trên cơ sở tương tác năng lượng “âm - dương” và hệ thống kinh lạc một cách dễ hiểu đã được Hội đồng khoa học của Hiệp hội Y học dân tộc Nga phổ biến rộng rãi cho các chuyên gia châm cứu. Với những đóng góp đó, Viện Hàn lâm khoa học tự nhiên châu Âu đã chính thức trao học hàm “Viện sĩ” cho giáo sư Ngô Xuân Bính. Viện Hàn lâm khoa học châu Âu mời ông làm Viện phó phụ trách mảng y học phương Đông. Nhiều công trình khoa học khác của ông sau đó được cả châu Âu và Liên Hợp Quốc vinh danh.

Võ sư Ngô Xuân Bính chúc sức khỏe GS Vũ Khiêu.

Võ sư Ngô Xuân Bính chúc sức khỏe GS Vũ Khiêu.

Năm 2006, ông đạt giải ARTIADA - Giải xuất sắc của Triển lãm Nghệ thuật tại Liên hoan Nghệ thuật tổng hợp quốc tế lần thứ 7 tại Matxcơva. Năm 2007 ông được nước Nga trao tặng Giải thưởng y học quốc tế “Nikolay Pirogov” và Huân chương cao quý vì những đóng góp “Lớn lao và Đặc biệt” cho sự nghiệp Y học quốc tế.

Năm 2008, ông đạt giải xuất sắc và được bình chọn là một trong 10 hiện tượng hội họa trong tháng tại Triển lãm quốc tế lần thứ 2 ở Matxcơva. Năm 2010, ông được phong hàm Giáo sư y học dân tộc thuộc Hiệp hội y học dân gian Liên bang Nga. Ngày 22 tháng 11 năm 2014, chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 29 đã xác lập kỷ lục: "Bộ sách châm cứu nhiều trang nhất" do Ngô Xuân Bính biên soạn. Đến nay GS Ngô Xuân Bính đã viết hàng chục tập thơ với hàng nghìn bài thơ nhiều thể loại. Sách võ thuật Nhất Nam căn bản gồm 5 tập đã đạt giải nhất tại Triển lãm sách Thể dục thể thao Quốc tế ở Ba Lan...

Trốn ngủ, tìm lối đi riêng trong hội họa

Một địa hạt khác ghi nhận những cống hiến của ông, đó là hội họa. Là một họa sĩ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nguyên giảng viên môn “Lý luận hội họa” tại Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Hà Nội, niềm đam mê sáng tạo luôn bỏng cháy trong ông, bên cạnh tình yêu với khoa học, võ thuật, thi ca.

Các tác phẩm điêu khắc và sơn mài của họa sĩ Ngô Xuân Bính.

Các tác phẩm điêu khắc và sơn mài của họa sĩ Ngô Xuân Bính.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính theo đuổi chất liệu sơn mài. Theo ông, sơn mài là một chất liệu truyền thống, nhưng luôn cần sự cải tiến, nghiên cứu, sáng tạo. Bản thân ông không chỉ tiên phong trong việc tìm tòi cách vẽ mới, mà còn đi đầu trong việc thực nghiệm tranh sơn mài trên các chất liệu mới, như nền tấm nhựa, toan…, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá rất cao.

Kể về bút pháp của mình, ông bày tỏ: “Hiện nay có hàng trăm nhà sơn mài, tự nhiên có một phong cách không giống người khác, không bị người khác chi phối là cả một vấn đề. Vì thế, tôi luôn theo dõi từng dòng chảy của hội họa và tự tìm cho mình một lối riêng”.

Bạn đời của Ngô Xuân Bính, bà Lena - người phụ nữ Nga đôn hậu, một cao thủ Nhất Nam, dù thương yêu ông hết mực, dù say tranh chồng vẽ, nhưng trước việc ông trốn ngủ đi vẽ hằng đêm, cô đã xin ông hãy thương con, mà đừng thức trắng thế.

Tranh sơn mài là tình yêu, mang lại nhiều xúc cảm để tạo ra sự đột phá khác biệt. Cái khác biệt ở đây không chỉ tiếp thu lối vẽ "âm" dùng mài để thể hiện cảm xúc, màu sắc, đường nét, còn mạnh dạn kết hợp lối vẽ của phương Tây, diễn tả trực tiếp cảm xúc, màu sắc đường nét bằng cách vẽ đắp vào, bôi vào... tạo thành lối vẽ “dương”, ông Bính chia sẻ và luôn trăn trở trước nguy cơ mai một dòng tranh sơn mài, do vậy, các họa sĩ trước hết phải có con đường đi đúng, có định hướng và phương thức tiếp cận đúng.

“Đối với tôi, trong hội họa, đặc biệt là trong vẽ tranh sơn mài, yếu tố cảm xúc là vô cùng quan trọng, hay còn gọi là “lên đồng” trong lúc vẽ. Chỉ có những lúc xuất thần con người ta mới tìm ra được những cái bất thường, những thứ khác lạ không bị trộn lẫn với những thứ khác. Như vậy khi tác phẩm ra đời, mình mới cảm thấy “sướng”, Ngô Xuân Bính tâm sự.

Võ sư Ngô Xuân Bính dành một tình yêu lớn cho hội họa.

Võ sư Ngô Xuân Bính dành một tình yêu lớn cho hội họa.

Ngô Xuân Bính say mê hội họa đến nỗi, nhiều đêm “trốn ngủ”, thâu đêm suốt sáng bên cây cọ, bảng màu… để khơi thông nguồn năng lượng bị kìm nén, kiềm tỏa bên trong. Ông vẽ như trong trạng thái thiền, như vô thức, để những cảm xúc tuôn trào ồ ạt như dung nham núi lửa… đẩy cọ đi, để những sáng tạo bất thường chợt xuất thần trong từng tác phẩm.

Mới đây nhất, Triển lãm "Ego - Người" của ông hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội công bố hơn 300 bức tranh sơn mài, sơn dầu và 100 tượng điêu khắc cỡ lớn cho thấy sức lao động và một năng lượng “siêu phàm” không thể không ngưỡng mộ.

Kể về ông, cuộc đời Giáo sư - Viện sĩ – Võ sư - Họa sĩ - Nhà thơ – Thầy giáo... Ngô Xuân Bính không thể gói gọn trong một vài trang sách. Đến giờ, dù ở tuổi 65, ông vẫn lao động miệt mài không ngừng nghỉ để cống hiến cho đời và lập nên những kỳ tích mới. Như GS Ngô Xuân Bính nói, niềm vui trong công việc và giá trị hữu ích cho đời chính là nguồn cảm hứng cho ông cống hiến không ngừng nghỉ.

Dự kiến, trong thời gian tới, GS Ngô Xuân Bính tiếp tục ra mắt một triển lãm điêu khắc kỷ lục với nhiều tác phẩm kích cỡ lớn.

Dự kiến, trong thời gian tới, GS Ngô Xuân Bính tiếp tục ra mắt một triển lãm điêu khắc kỷ lục với nhiều tác phẩm kích cỡ lớn.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top