Kỳ 1: Chính sách đối ngoại thời Lý – Trần
Kỳ 2: Mối quan tâm bậc nhất
Cầu phong và nộp cống
Trong thời bình, cầu phong và nộp cống là hai vấn đề quan trọng. Sắc phong là biểu hiện quan hệ hai chiều giữa Đại Việt và Trung Hoa: Đại Việt cần được Trung Hoa công nhận chủ quyền, còn Trung Hoa muốn khẳng định vị thế “tông chủ” và uy tín “thiên triều” của họ.
Ảnh minh họa.
Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: “Điển lệ sắc phong của Trung Hoa là thừa nhận Đại Việt là một nước riêng biệt”. Tất nhiên, không phải chờ Trung Hoa phong thì vua Đại Việt mới lên ngôi và cũng không phải vì Trung Hoa đã phong mà Đại Việt chịu chấp thuận mọi yêu sách của “thiên triều”.
Cái giá của sắc phong là cống nạp. Chế độ dùng sính lễ và triều cống của Đại Việt đối với Trung Hoa vẫn thực hiện đều đặn bằng những vật phẩm quý như vàng, bạc, ngà voi, sừng tê giác, trầm hương… Chu kỳ cống nộp là 3 năm hay 6 năm một lần.
Trong quan hệ đối ngoại với phương Bắc, qua các việc làm như nhận sắc phong, nộp cống, cử sứ giả thăm viếng hay chúc tụng, nhà nước Đại Việt luôn tỏ ra mềm dẻo, nhún nhường, nhưng kiên quyết về nguyên tắc.
Vấn đề biên giới
Trong mối quan hệ bang giao thì vấn đề biên giới, đất đai là nội dung tranh cãi nhiều nhất và hầu như thường xuyên. Thậm chí, nhà Tống và nhà Minh còn đòi cắt đất Cao Bằng và Lạng Sơn hoặc yêu sách tìm địa điểm cột đồng Mã Viện.
Nhà Lý đã cử Đào Tông Nguyên mang biếu vua Tống 5 con voi và đến trại Vĩnh Bình bàn việc biên giới, đòi lại vùng đất mà quân Tống còn giữ. Sứ nhà Lý là Lê Văn Thịnh sang Tống thương nghị việc đất đai, đòi lại các động Vật Dương và Vật Ác thuộc châu Quảng Nguyên (Cao Bằng). Kết quả là trong các năm 1079 và 1084, nhà Tống buộc phải trả nốt đất đai cho Đại Việt mà họ đã lấn chiếm trước đó.
Với các nước phía nam và tây nam, thái độ chung của nhà nước Đại Việt thời Lý – Trần là giao hảo thân thiện, nhưng mỗi khi biên giới bị xâm lấn thì kiên quyết trừng phạt để giữ yên bờ cõi… Khi hòa bình thì thực hiện chế độ phiên thần, Đại Việt cử sứ giả sang bày tỏ lợi hại nhằm chiêu dụ, vỗ về, tạo sự ổn định ở vùng biên giới.
Các triều đình Lý – Trần không chỉ tỏ ra biết mình mà còn biết người, hiểu thời thế, do đó đã thi hành một đường lối đối ngoại sáng suốt, linh hoạt: kiên quyết, mềm mỏng, nhún nhường có điều kiện với nước lớn; khoan hòa, linh hoạt nhưng nghiêm khắc với nước nhỏ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền.
Sự kết hợp giữa sức mạnh nội tại với đường lối đối ngoại khôn khéo đã đem lại hiệu quả to lớn là bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, rút ngắn thời gian chiến tranh và giữ vững hòa bình để xây dựng đất nước.
Công cuộc dựng nước và giữ nước của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ XI – XIV, trải qua những bước thăng trầm nhưng thế kỷ nào, triều đại nào cũng có những chiến công hiển hách. Một lần đánh thắng quân Tống, ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên và nhiều lần giữ yên biên giới phía nam, đẩy lùi hiểm họa xâm lăng từ phía bắc, tạo cho nước Đại Việt một thế đứng vững chãi luôn luôn là những minh chứng hùng hồn cho chính sách đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của thời Lý – Trần.
Chính sách ấy để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho các thế hệ Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
TS Nguyễn Thành Hữu