Kỳ 1: Chính sách đối ngoại thời Lý – Trần
Quan hệ không thuận chiều với Chiêm Thành
Ở phía nam, sau dãy Hoành Sơn là nước Chiêm Thành của người Chăm, từng bị ách đô hộ của phong kiến Trung Hoa, vốn là quận Nhật Nam dưới thời đô hộ của nhà Hán. Vào cuối thế kỷ thứ II, Khu Liên cầm đầu người Chăm nổi dậy đánh phá quận huyện, giết bọn quan lại đô hộ, lập nên nước Lâm Ấp, kinh đô là Trà Kiệu, tức Chiêm Thành sau này.
Vào giữa thế kỷ VI ở Giao Châu, Lý Nam Đế nổi dậy đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư, lập nên nước Vạn Xuân năm 544, thì trước đấy một năm – năm 543, Lâm Ấp đem quân sang xâm lấn. Lý Nam Đế phải sai người đi đánh… Như vậy, Chiêm Thành với Đại Việt bước vào thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài đã có một quan hệ trong quá khứ không thuận chiều. Tình trạng này còn tiếp diễn trong nhiều thế kỷ sau, Chiêm Thành liên tục gây chiến tranh chống Đại Việt…
Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, nhà nước Lý – Trần, trong quan hệ với các nước láng giềng, nổi lên vấn đề sống còn là đối phó với sự xâm lược, quấy rối của Chiêm Thành từ phía nam và hành động tấn công, thôn tính của các vương triều phong kiến Trung Hoa từ phía bắc.
Vấn đề này trở thành nguy cơ thường trực và mối đe dọa đó còn nguy hiểm hơn khi Chiêm Thành có quan hệ thần phục Trung Hoa và Trung Hoa có biểu hiện liên kết với Chiêm Thành, hoặc biến Chiêm Thành thành địa bàn chiến lược nhằm gây sức ép, tấn công, thủ tiêu nền độc lập của quốc gia Đại Việt.
Tranh minh họa
Trong hoạt động đối ngoại của các nhà nước phong kiến Đại Việt nói chung, thời Lý – Trần nói riêng, thì quan hệ với Trung Hoa ở phía Bắc nổi lên hàng đầu và là mối quan tâm bậc nhất. Lý do khá rõ ràng vì, trong suy nghĩ và hành động của các nhà nước phong kiến Trung Hoa, không chịu nhìn nhận Đại Việt là một quốc gia độc lập có chủ quyền mà trong con mắt của họ, Đại Việt chỉ là một nước nhỏ, một chư hầu của mình.
Giữ vững quyền tự chủ quốc gia Đại Việt
Nhà nước thời Lý – Trần đã nhận thức được sâu sắc hơn chính sách đối ngoại, theo tinh thần hòa hiếu, tôn trọng lẫn nhau, mềm dẻo nhưng kiên quyết trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhất là đối với nhà nước Tống, Nguyên ở phía bắc.
Tuy nhiên, quan hệ đối ngoại bao giờ cũng tùy thuộc vào cả hai bên hữu quan. Ở đây, mưu đồ lập lại nền đô hộ trên đất Đại Việt vẫn thường trực ở phía Tống, Nguyên, nhưng giữ vững quyền tự chủ quốc gia Đại Việt do người Việt làm chủ, là điều bất di bất dịch, không thể nhân nhượng của nhà nước Lý – Trần.
Tinh thần này được biểu hiện mạnh mẽ trong tuyên ngôn đanh thép của Lý Thường Kiệt, khi tổ chức, điều hành cuộc chiến tranh giữ nước thắng lợi đầu năm 1077 với lời tuyên ngôn độc lập: “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư…”
Đến giữa thế kỷ XII, mặc dù đã có sự đụng độ lớn với nhà Tống trong chiến tranh vệ quốc trên phòng tuyến Như Nguyệt vào thế kỷ trước, nhưng bằng biện pháp mềm dẻo về quan hệ giao hảo, các vua nhà Lý đã tranh thủ được sự công nhận quyền tự chủ của đất nước Đại Việt.
Nhà Tống buộc phải công nhận quốc gia Đại Việt nhưng vẫn cố níu lấy quyền lực của một thời đã qua, dù chỉ là hư quyền, quyền phong vương cho chư hầu. Các vua nhà Lý trong quan hệ đối ngoại không lấy đó làm quan trọng. Điều quan trọng hơn là “sông núi nước Nam vua Nam ở” đã thực sự trở thành hiện thực.
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu