Kinh ngạc đười ươi biết tự đắp thảo dược để chữa lành vết thương hở

Đười ươi từ lâu đã được công nhận có trí thông minh cao khi biết sử dụng công cụ để đập hạt bắt côn trùng làm thức ăn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy loài động vật này có một kỹ năng khác dùng cây thuốc để trị thương.

Theo một báo cáo được công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports, các nhà khoa học đã phát hiện một cá thể đười ươi Sumatra đực biết cách điều trị vết thương hở trên gương mặt của nó bằng thảo dược.

Cụ thể, con đười ươi có tên Rakus đã nhai lá của một loại cây dây leo có tên Akar Kuning, sử dụng nước từ lá cây này để bôi lên vết thương. Rakus sau đó sử dụng chính lá đã được nhai nát để đắp lên vết thương của mình.

Đáng chú ý, Akar Kuning là một loại thảo dược cũng được con người sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị nhiều căn bệnh như kiết lỵ, tiểu đường, sốt rét…

Tiến sĩ Isabelle Laumer, một trong những tác giả của nghiên cứu, đến từ Viện Hành vi Động vật Max Planck ở Đức, đã khẳng định: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát thấy một động vật hoang dã sử dụng một loại cây thuốc có hiệu ứng khá mạnh để chữa trị vết thương".

Đười ươi Rakus trước (trái) và sau khi bình phục vết thương trên mặt - Ảnh: Armas/Safruddin

Đười ươi Rakus trước (trái) và sau khi bình phục vết thương trên mặt - Ảnh: Armas/Safruddin

Hành vi thú vị của Rakus đã được ghi lại vào năm 2022 bởi Ulil Azhari, một nhà nghiên cứu thực địa tại Dự án Suaq ở Indonesia. Những hình ảnh chụp lại cho thấy vết thương của Rakus đã hoàn toàn lành lặn sau một tháng.

Các nhà khoa học cho biết họ đã từng quan sát được một số loài linh trưởng có hành vi nuốt, nhai hoặc chà xát lên người bằng các loại thực vật có đặc tính dược liệu, tuy nhiên, họ chưa bao giờ nhìn thấy chúng sử dụng thảo dược cho các vết thương hở.

Nhóm nghiên cứu tin rằng đười ươi Rakus đã biết cách sử dụng thảo dược để điều trị vết thương hở nhiều lần cho đến khi vết thương trở nên lành lặn.

Các nhà khoa học cho rằng Rakus đã bị thương ở trên gương mặt sau cuộc chiến với một con đười ươi đực khác. Đây là điều hiếm khi xảy ra vì khu vực Rakus sinh sống có nguồn thức ăn rất dồi dào, hệ thống phân cấp xã hội tương đối ổn định và tính xã hội cao của loài đười ươi khiến chúng hầu như không đụng độ với nhau.

Chính vì các cá thể đười ươi thường ít khi bị thương khiến các nhà khoa học không có nhiều cơ hội nghiên cứu và quan sát về hành vi tự chữa bệnh của loài linh trưởng này. Do vậy, các nhà khoa học cho rằng việc Rakus biết sử dụng thảo dược để chữa bệnh có thể là sự sáng tạo mang tính cá nhân, thay vì bản năng của loài.

Một giả thuyết khác được các nhà khoa học đưa ra đó là Rakus có thể đã học được cách điều trị vết thương từ những con đười ươi khác trong khu vực nó sinh sống. Trước đó, các nhà khoa học đã nhận thấy một số loài linh trưởng như đười ươi, tinh tinh… có thể truyền đạt và hướng dẫn cho nhau những kiến thức, kỹ năng mới mà chúng học được trong cuộc sống.

Phát hiện của các nhà khoa học đã cung cấp những kiến thức mới về khả năng tự điều trị vết thương của đười ươi, họ hàng gần nhất với loài người. Ngoài ra, các nhà khoa học cho biết nghiên cứu này cũng sẽ giúp tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc cách thức điều trị vết thương từ thời sơ khai.

Theo Đời sống
back to top