Kiểm soát tài sản, thu nhập: Công nghệ nào giúp bảo mật dữ liệu?

Thanh tra Chính phủ đang gấp rút xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo dự thảo Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được Thanh tra Chính phủ gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương (tháng 8/2021), việc xây dựng cơ sở dữ liệu để hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.

Ảnh minh họa

Số hóa bản kê khai tài sản, thu nhập

Thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, các quy trình, quy định phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn và cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định pháp luật theo quy định.

Trong đó đặt mục tiêu từ năm 2021 - 2023 xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng để cập nhật, tích hợp dữ liệu, kết nối, chia sẻ đảm bảo khai thác an toàn, thông suốt cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; Xây dựng cơ chế vận hành, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Từ năm 2023 - 2025, thực hiện số hóa, cập nhật dữ liệu về kê khai tài sản tại các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; tích hợp về cơ sở dữ liệu quốc gia tại Thanh tra Chính phủ.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác theo quy định. Trong đó, hoàn thành số hoá lưu trữ 100% bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.

Đến sau năm 2025 thực hiện chuyển đổi 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số.

Về giải pháp kỹ thuật được đưa ra là số hóa, cập nhật dữ liệu kê khai để tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Thực hiện nhận dạng, trích xuất một số trường dữ liệu cơ bản chuyển đổi, chuẩn hoá thông tin về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan theo quy định và được đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập thông qua hệ thống phần mềm.

Về giải pháp an toàn, bảo mật thông tin, hệ thống sử dụng cơ chế xác thực người sử dụng và các cơ chế bảo mật theo quy định; hệ thống được thiết kế, xây dựng đảm bảo an ninh thông tin theo quy định.

Bên cạnh đó, sử dụng các sản phẩm mật mã, giải pháp mã hóa dữ liệu lưu trữ và dữ liệu trao đổi. Mức độ an toàn thông tin được đặt ở mức độ cao, bao gồm: Hệ thống cơ sở hạ tầng, đường truyền; các ứng dụng với các giải pháp mã hoá dữ liệu lưu trữ và dữ liệu trao đổi; xây dựng các chính sách, quy định về an toàn, bảo mật.

Theo Thanh tra Chính phủ, thực tế việc kê khai tài sản thu nhập như hiện nay được thực hiện và lưu trữ bằng bản giấy khó khăn cho việc tiếp nhận, lưu trữ, khai thác khi cần số liệu phục vụ việc xác minh tài sản thu nhập.

Thống kê cho thấy, từ năm 2013 - 2018, số lượt người phải kê khai tài sản, thu nhập là 6.320.827, đã có 6.293.216 lượt người kê khai (đạt 99,6%), số người đã xác minh việc kê khai là 1.812, số người bị xử lý do vi phạm quy định về kê khai là 27 người.

Bảo đảm an toàn dữ liệu?

Về công nghệ bảo mật dữ liệu, theo ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav, bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức mang tính cá nhân cao vừa để quản lý vừa để sử dụng trong công tác phòng, chống tham nhũng nếu số hoá phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Chỉ những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới được quyền truy cập, trích xuất dữ liệu.

Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ được tất cả các công nghệ bảo mật dữ liệu ở các cấp độ khác nhau, từ cao đến thấp tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng. Các cơ quan, tổ chức quyết định thiết kế hệ thống bảo mật an ninh đến đâu sẽ sử dụng công nghệ đến đó.

Theo ông Sơn, về công nghệ có đủ để bảo vệ, tuy nhiên về hệ thống bảo mật thông tin còn phải có yếu tố con người, cũng như quy trình vận hành. Có rất nhiều hệ thống lớn trên thế giới bị lộ lọt thông tin, hoặc bị tấn công, tuy nhiên khi tìm ra nguyên nhân thì phần lớn lỗ hổng lại đến từ yếu tố con người, hay quy trình chứ không phải yếu tố công nghệ.

“Đối với dự án cấp quốc gia như Đề án số hóa cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ công chức, mà lại là Đề án rất quan trọng thì sẽ được chú ý quản lý chặt chẽ, tôi nghĩ sẽ bảo đảm được an toàn”, ông Vũ Ngọc Sơn nói.

Thông tin về tiến độ dự án, đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này phối hợp cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập, đã tổng hợp ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Ngoài Thanh tra Chính phủ, Dự thảo đưa ra nhiều cơ quan cùng phối hợp thực hiện như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ…

“Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ được tất cả các công nghệ bảo mật dữ liệu ở các cấp độ khác nhau, từ cao đến thấp tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng. Các cơ quan, tổ chức quyết định thiết kế hệ thống bảo mật an ninh đến đâu thì sẽ sử dụng công nghệ đến đó”.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bkav.

Theo Đời sống
Vì sao chậm thương mại hóa 5G?

Vì sao chậm thương mại hóa 5G?

Bộ TT&TT đã cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) thử nghiệm 5G tại 40 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Tắt sóng 2G và thương mại hóa 5G là xu hướng “không thể tránh khỏi” khi đến nay mạng 4G đã phủ sóng đến 99,8% cả nước và thử nghiệm 5G đang ngày càng mở rộng.
back to top