Cách ly xã hội vì Covid-19 là một dịp tốt để thực hiện kiểm kê nguồn phát thải ô nhiễm không khí, từ đó có các biện pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Bà Hà Thanh Hương, Quản lý Dự án thuộc Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAMAir đã lựa chọn 2 ngày có điều kiện khí tượng tương đối giống nhau trong tháng 2 và tháng 4 để so sánh chất lượng không khí thời điểm trước và sau khi cách ly xã hội tại Hà Nội. Kết quả cho thấy chất lượng không khí được cải thiện hơn, dù còn ô nhiễm. Theo đó, Vào ngày 20-21/2, Hà Nội rơi vào đỉnh điểm của ô nhiễm không khí với hàng loạt điểm đo lên ngưỡng tím ( chỉ số chất lượng không khí AQI từ 200 trở lên), cục bộ một số điểm đo lên ngưỡng nâu (ngưỡng nguy hại nhất trong ô nhiễm không khí với AQI từ 300). Ngày 3/4, thời điểm thực hiện cách ly xã hội được 3 ngày, trong điều kiện thời tiết tương tự, Hà Nội vẫn ô nhiễm không khí nhưng ở mức độ nhẹ hơn nhiều, chủ yếu ở ngưỡng đỏ (AQI từ 150-200) và ngưỡng cam (AQI từ 100-150).
Theo thống kê của hệ thống PAMAir tại 3 điểm đo ở Hà Nội, từ 8-14/3 có 14% số ngày chất lượng không khí ở ngưỡng đỏ; từ 15-21/3 có 29% số ngày ở ngưỡng đỏ nhưng từ 22-28/3 không có ngày nào chất lượng không khí ngưỡng đỏ, chỉ có 43% số ngày chất lượng không khí ở ngưỡng cam (AQI từ 100-150) và từ 29/3- 4/4 không có ngày ào AQI đỏ, 14% số ngày ở ngưỡng cam.
Việc cách ly xã hội với lượng tham gia giao thông giảm đến 80% song vẫn có thời điểm ô nhiễm cho thấy, cùng với nguồn giao thông, nhiều nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng khác của Hà Nội là xây dựng, cơ sở sản xuất, làng nghề, đặc biệt là hoạt động đốt không kiểm soát. Những biến động của yếu tố thời tiết trong giai đoạn giao mùa, cùng với việc giảm lượng phương tiện giao thông và một số hoạt động sản xuất, dịch vụ do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 cũng có những tác động đáng kể đến chất lượng không khí. Đây là cơ hội tốt để thực hiện kiểm kê nguồn phát thải, từ đó có các giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại các đô thị lớn hiện nay.
Phong Lâm