Nhóm các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Thụy Sỹ đã công bố báo cáo mới về mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và nhập viện do các bệnh tim mạch sử dụng số liệu khảo sát tại ba tỉnh Hà Nội, Quảng Ninh và Phú Thọ.
Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học đến từ Đại học Y tế Công cộng, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi T.Ư, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nhiệt đới và Sức khỏe Cộng đồng Thụy Sĩ, và Đại học Basel (Thụy Sĩ). Nhóm sử dụng 1.350.101 hồ sơ bệnh án ở độ tuổi 15 trở lên tại 3 tỉnh, thành Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ và đo nồng độ chất gây ô nhiễm không khí xung quanh hàng ngày từ các trạm cố định để ước tính tỷ lệ phần trăm của việc nhập viện do 7 bệnh tim mạch. Báo cáo tái khẳng định các chất gây ô nhiễm không khí cụ thể là các loại bụi liên quan mật thiết đến việc nhập viện do bệnh tim mạch hàng ngày ở miền Bắc Việt Nam.
Cụ thể, các hạt bụi mịn (PM10, PM2.5 và PM1) liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ nhập viện hàng ngày đối với bệnh tim mạch dù mối liên quan chỉ đạt ý nghĩa thống kê ở Hà Nội và Quảng Ninh. Trong đó, PM10 cho thấy mối liên quan mạnh mẽ với hầu hết các bệnh tim mạch ở Hà Nội, ngoại trừ đột quỵ. Tuy nhiên, Nhóm không quan sát thấy bất kỳ mối liên quan có ý nghĩa thống kê nào giữa PM10 với bệnh tim mạch chung ở Phú Thọ. Riêng PM2.5 và PM1 thì liên quan đáng kể đến việc nhập viện vì suy tim ở Phú Thọ. Tại Quảng Ninh, các hạt bụi mịn làm gia tăng số ca nhập viện do bệnh tim mạch chung và suy tim nhưng không tìm thấy mối liên quan ở bệnh thiếu máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Ngoài ra, tình trạng nhập viện vì đột quỵ ở Hà Nội, suy tim ở Phú Thọ, đột quy do thiếu máu cơ tim cục bộ ở Quảng Ninh có mối liên hệ chặt chẽ với sự gia tăng khí sunfurơ (SO2). Bên cạnh đó, khí nitơ điôxít (NO2) cũng làm gia tăng số ca nhập viện do bệnh tim mạch và thiếu máu cơ tim tại Hà Nội.
Đăng Khoa