Ô nhiễm không khí làm gia tăng tử vong do virus
Để hạn chế Covid-19 lây lan, người dân Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác được khuyến cáo hạn chế ra đường. Nhiều hàng quán, dịch vụ đóng cửa, lượng người tham gia giao thông thưa thớt hơn nhiều so với ngày thường. Tuy vậy, tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện nhiều. Chỉ số ô nhiễm không khí của Hà Nội vẫn ở mức cao. Ngày 23/3, theo ứng dụng chất lượng không khí AirVisual thì Hà Nội đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm không khí với chỉ số AQI là 152. Tình trạng Hà Nội vẫn nằm trong top đầu những nước ô nhiễm không khí nhất thế giới diễn ra trong nhiều ngày trước đó.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cũng đặt câu hỏi về nguồn phát thải của ô nhiễm không khí trong khi lượng giao thông giảm rất nhiều mà chất lượng không khí lại không có những biến chuyển rõ rệt. “Đúng là thời gian này do diễn biến của dịch Covid-19 nên lượng phương tiện giao thông trên đường giảm nhiều.Tuy nhiên chất lượng không khí ở Hà Nội và một vài địa phương khác vẫn không tốt tại hầu hết các điểm đo. Do đó, nguồn phát thải có thể là do các hoạt động đốt, sản xuất công nghiệp, xây dựng… trong đó giao thông chỉ chiếm một phần nhỏ.
Trước tình hình ô nhiễm không khí không được cải thiện, một số người lo lắng về dịch bệnh Covid-19 sẽ nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng của ô nhiễm. Bởi một số tờ báo có đăng tải thông tin về nhận định TS Aaron Bernstein, thuộc Trường Y tế cộng đồng Harvard TH Chan của Mỹ cho rằng những người tiếp xúc với ô nhiễm không khí và hút thuốc lá sẽ bị nặng hơn nếu nhiễm Covid-19. Các tác động xấu của ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị có thể làm tăng tỷ lệ tử vong do SARS-CoV-2. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như Covid-19 có thể có tác động nghiêm trọng hơn đối với người dân thành phố và cộng đồng tiếp xúc với bầu không khí độc hại hơn những người khác.
Không phải yếu tố gây bệnh
Theo TS Hoàng Dương Tùng, trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau. Tuy vậy, theo các nghiên cứu thì virus corona chỉ tồn tại trong các giọt bắn của người bệnh, nơi tiếp xúc như tay nắm cửa, vịn cầu thang…. chứ không tồn tại trong môi trường bụi, hay nắng nóng. Cho rằng không khí ô nhiễm khiến dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội nghiêm trọng hơn là không có cơ sở.
Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Do đó WHO đã khuyến cáo nếu chúng ta không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.
Ô nhiễm không khí được hiểu là một tác nhân khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, chứ không phải là yếu tố gây bệnh. Khi chất lượng không khí kém, khói bụi trong môi trường nhiều thì người ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhâp viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.
Hà Bình