Gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng trong dịch Covid-19 , thanh khoản ngân hàng gặp khó

(khoahocdoisong.vn) - Phương thức và nguồn vốn dùng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra đã có khác biệt so với những lần công bố gói hỗ trợ trước đó.

Nhà nước "đặt hàng" hỗ trợ

Vào năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thực hiện gói kích cầu hỗ trợ lãi suất trị giá 1 tỷ USD (ngoài ra còn nhiều gói kích cầu khác). Doanh nghiệp được hỗ trợ là các nhóm đối tượng vay vốn bị ảnh hưởng và sẽ được cấp bù lãi suất 4%/năm.

Tuy nhiên, những năm sau đó đã phát sinh nhiều vấn đề trong triển khai, với nhiều cuộc kiểm toán, ngân hàng thương mại phải mất nhiều thời gian mới nhận lại được nguồn hỗ trợ…

Hiện tại, như KH&ĐS đã đưa tin, ngành ngân hàng đang tích cực triển khai các gói tín dụng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, với tổng giá trị (hỗ trợ lãi suất và cho vay ưu đãi) dự kiến khoảng 285.000 tỷ đồng. Về hỗ trợ lãi suất, tính bình quân, các ngân hàng sẽ giảm từ 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Dễ dàng nhận thấy hai điểm khác biệt từ hai cách hạ lãi suất trên. Thứ nhất, chính sách giảm lãi suất cho vay đến lúc này chủ yếu từ quyết định, nguồn lực riêng của mỗi ngân hàng thương mại và không có ngân sách bù trừ trực tiếp. Thứ hai, so với chính sách cấp bù 4%/năm, việc giảm lãi suất lần này biên độ ít hơn.

Cần lưu ý, quy mô hỗ trợ lãi suất và cho vay ưu đãi dự kiến khoảng 285.000 tỷ đồng này là phép cộng gộp các chương trình từ các ngân hàng, theo kêu gọi của Chính phủ. Chứ không phải một chương trình được Chính phủ thiết kế và phân bổ tới các ngân hàng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, do đặc trưng ấy, hành động lần này của các ngân hàng đang thực tế hơn do họ phải chủ động chia sẻ lợi nhuận của mình. Khi đó, biên độ hạ lãi suất sẽ phải tính toán kỹ, các phương án hỗ trợ cũng được đưa ra một cách tối ưu nhất. 

Thực tế cho thấy, các ngân hàng chủ động hơn trong tự triển khai khảo sát đánh giá nhu cầu của khách hàng. Khách hàng có nhu cầu muốn vay mới thì được tiếp cận gói vay mới, khách hàng muốn giãn nợ thì sẽ được giãn nợ.

Ngân hàng cũng tự xem xét cơ cấu nợ mà không áp dụng lãi phạt, xem xét giảm lãi hoặc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép không chuyển nhóm nợ với các khách hàng này. Đồng thời, tiếp tục xem xét cho vay thực hiện các phương án kinh doanh mới của khách hàng.

Cũng phải nói thêm, khi ngân hàng chủ động giảm tải gánh nặng cho dư nợ hiện hữu, khách hàng bớt khó, nguy cơ đối với nợ xấu tại ngân hàng cũng giảm theo, không những thế còn có thể cho vay khoản mới. Hai bên cùng có lợi.

Cập nhật từ báo cáo của các ngân hàng thương mại, một lãnh đạo cấp Vụ tại Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay đã xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ khoảng 21.753 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 8.000 khách hàng với số tiền trên 350 tỷ đồng.

“Ngoài ra, đang xem xét miễn giảm lãi cho vay của 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ mới, cho vay mới cho khoảng 5.493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng miễn, giảm phí thanh toán, phí giao dịch”, lãnh đạo trên chia sẻ.

Thanh khoản gặp khó

Với số liệu được công bố như trên, cầu tiền có dấu hiệu tăng, trạng thái hút ròng, theo đó được tạm dừng. Hiện, lượng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường mở tương đương số tiền nhàn rỗi bị NHNN “nhốt”, lên tới 147.000 tỷ đồng, đến tháng 4 mới được "ngấm" trở lại.

Trong tuần trước, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có tín hiệu hạ lãi suất lần đầu 50 điểm phần trăm, tỷ giá USD/VND đã có điều chỉnh giảm. Tại phiên 11/3, giá giao dịch USD giữa các thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng rơi xuyên qua mốc 23.175 VND mà Sở Giao dịch NHNN “chặn” mua vào, chốt phiên ở 23.173 VND. Điều này đồng nghĩa một lượng VND được bơm lại thị trường qua giao dịch mua vào của NHNN.

Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện thanh khoản bắt đầu gặp khó. Tuần qua, lãi suất liên ngân hàng bật tăng ở cả ba kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với mức tăng lần lượt 0,47%; 0,44% và 0,51%, lần lượt dừng ở mức 2,48%/năm; 2,6%/năm và 2,75%/năm.

Để hỗ trợ cho hệ thống, NHNN đã điều chỉnh lãi suất điều hành từ 17/3/2020. Hiện tại, lãi suất điều hành là một trong những công cụ về điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất cơ bản. Trong đó, lãi suất cơ bản của Việt Nam được giữ ổn định trong suốt 10 năm qua, và NHNN chỉ điều chỉnh hai loại lãi suất còn lại.

Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, với việc điều chỉnh lãi suất lần này, ngoài việc theo xu hướng chung của thế giới thì đây là động thái hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng thương mại, từ đó các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận được các dòng vốn tốt hơn.

“Động thái lần này của NHNN tuy đã hỗ trợ rất lớn về dòng tiền, nhưng chỉ hưởng lợi đối với các khoản vay mới, hy vọng lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ giảm đi. Còn đối với những hợp đồng vay cũ, thì rất khó để mà các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trừ khi đối với những lĩnh vực, khách hàng chứng minh được thiệt hại của họ từ Covid-19 lần này và sự hỗ trợ phải tùy theo từng hồ sơ vay” - ông Tín nhấn mạnh.

Chia sẻ với báo chí, đại diện NHNN, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ tổ chức tín dụng trong trường hợp cần tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN giảm nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (lãi suất trên 6 tháng vẫn theo cơ chế thỏa thuận) sẽ tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng kéo dài kỳ hạn. Qua đó, thuận lợi hơn trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01 vừa ban hành.

“Với kinh nghiệm điều hành trong điều kiện thị trường biến động những năm qua, NHNN hiện có đủ năng lực, nguồn lực, công cụ cũng như các phương án cần thiết để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; điều hành ổn định lãi suất và tỷ giá, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ hoạt động thông suốt” - ông Hà khẳng định.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top